Thế giới

Ký ức của những đứa trẻ chứng kiến trận Trân Châu Cảng

Những đứa trẻ tận mắt chứng kiến trận Trân Châu Cảng năm nào giờ đều đã trở thành những ông bà lão nhưng ký ức về ngày định mệnh vẫn hằn sâu trong tâm trí họ.

ky-uc-han-sau-noi-nhung-dua-tre-chung-kien-tran-tran-chau-cang

Khói bao trùm tàu USS Arizona khi nó bị nghiêng và chuẩn bị chìm. Ảnh: AP

Ngày 7/12/1941, Chick Takara lúc bấy giờ mới 12 tuổi nhưng phải đi làm thêm cho một nhà hàng để phụ giúp gia đình. Đó là một buổi sáng trôi qua khá chậm rãi. Bỗng, một tài xế taxi đỗ xe trước nhà hàng, bước vào mua cà phê và chỉ về phía bến cảng.

"Dường như hải quân hôm nay tập trận bằng đạn thật", ông nói.

Nghe vậy, Takara cùng anh trai trèo thang lên mái nhà và hướng mắt về phía Trân Châu Cảng. "Chúng tôi nhìn thấy hàng trăm, hàng trăm đám bụi màu trắng và xám phủ kín bầu trời", Time dẫn lời ông Takara, bây giờ đã 87 tuổi, nhớ lại.

Ông chủ bảo hai anh em nhanh chóng trở về nhà. Khi vừa đến nơi, Takara thấy mẹ đang đứng nói chuyện với một người hàng xóm, tay ôm đống quần áo vừa giặt xong. Takara nhớ ông đã hét lên rằng: "Chiến tranh, mẹ ơi!".

Ký ức khó quên

Cậu bé Takara nói đúng nhưng dường như người hàng xóm không bận tâm. Bà quay về nhà và tiếp tục công việc giặt giũ. Một chiếc phi cơ vọt qua để lại vệt khói dài màu xám trên bầu trời và thả xuống một quả bom với tiếng nổ inh tai trúng ngay ngôi nhà người hàng xóm.

Takara chứng kiến cảnh tượng và quá sợ hãi, đến nỗi không thể hét lên. Quả bom phá tan ngôi nhà và lửa từ nó nhanh chóng lan rộng ra xung quanh.

Cha Takara yêu cầu 6 người con nắm chặt tay nhau. Họ tính đi bộ tới một sân vận động gần đấy để trốn và nếu chẳng may điều gì bất trắc xảy ra, cả gia đình có thể chết bên nhau.

Nhưng hiệu trưởng một ngôi trường của người Nhật ở địa phương đã ngăn gia đình Takara lại và đưa họ về trường trú ẩn. Cộng đồng người Mỹ gốc Nhật vào năm 1940 chiếm khoảng 38% dân số Hawaii.

Gia đình Takara sống tại ngôi trường trong khoảng vài tuần. Hội trường trở thành nơi để những cư dân Nhật Bản giao nộp đồ đạc từng thuộc về họ nhưng giờ đây không được phép nắm giữ nữa, ví dụ như: đài radio, ống nhòm, vũ khí...

Khi cả gia đình trở về nhà và cố bới những thứ còn sót lại, Takara tìm thấy vài đồng xu bị nung chảy dính lại với nhau. Ông vẫn giữ chúng tới tận bây giờ.

ky-uc-han-sau-noi-nhung-dua-tre-chung-kien-tran-tran-chau-cang-1

Những đồng xu bị nung chảy, dính vào nhau mà Chick Takara còn giữ tới tận bây giờ. Ảnh: Time

Nay, 75 năm sau ngày Đế quốc Nhật thực hiện cuộc tấn công nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, dẫn đến việc Mỹ sau đó quyết định tham gia vào các hoạt động quân sự trong Thế chiến II, Chick Takara cho biết những ký ức năm xưa vẫn bám chặt lấy tâm trí ông. 

Edwin Nakasone lúc bấy giờ cũng mới 14 tuổi. Nakasone đang ngồi ăn bánh bột ngô nướng thì nhìn thấy qua khung cửa sổ những chiếc máy bay ngày một lớn dần lên ở phía xa. Giống như Takara, Nakasone ban đầu nghĩ đây lại là một cuộc tập trận khác và hải quân Mỹ chắc vừa gây ra sự cố gì nghiêm trọng. Nakasone chỉ phát hiện điều khác thường khi ngửa cổ lên và thấy hình cờ Nhật Bản phía dưới cánh những chiếc phi cơ.

"Tôi lao vào nhà và bật đài phát thanh lên nghe. Tôi vẫn nhớ tên người đưa ra thông báo là Webley Edwards. Ông ta ra lệnh cho tất cả các binh sĩ trở về căn cứ", Nakasone kể.

Nakasone, như những người Mỹ gốc Nhật khác ở Hawaii thời điểm đó, bất ngờ phải đối diện với một thế giới mới lạ kỳ. Ông trốn dưới gầm giường cả đêm khi tiếng động cơ máy bay liên tục vần vũ trên đầu.

Lệnh thiết quân luật được ban bố. Nhờ đặc điểm về khoảng cách và nhân khẩu học của Hawaii nên hầu hết cộng đồng người Mỹ gốc Nhật tại đây không phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ trong thời gian chiến tranh. Song mọi thứ cũng không hề dễ dàng với họ.

Những người có nguồn gốc Nhật Bản phục vụ trong quân đội Mỹ bị mất việc làm. Một số người thực tế có bị giam giữ nhưng tình trạng này không xảy ra trên diện rộng. Những tài liệu lúc bấy giờ cho thấy Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt chủ trương loại bỏ người Nhật khỏi Oahu, hòn đảo nơi đặt Trân Châu Cảng. Theo các chuyên gia, kế hoạch trên không được thực hiện bởi giới quan chức quân sự lo sợ động thái này sẽ khiến nguồn lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Cha mẹ Nakasone luôn phải đảm bảo trong nhà không treo ảnh Nhật hoàng hay bất cứ vật dụng gì có khả năng gây nghi ngờ. "Những thứ tôi thấy vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi", ông Nakasone, 89 tuổi, chia sẻ.

Keiko Nakata, lúc bấy giờ 17 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng khoai môn của gia đình ở Kahaluu vào sáng đó. Theo lời Nakata kể, bà biết có chuyện xấu xảy ra khi một quả bom rơi trúng mảnh sân gần nhà. Nakata còn nghe thấy tiếng súng máy vang lên không ngớt từ đằng xa.

Trong những ngày sau đấy, cha mẹ Nakata phải đốt hết sách họ mang từ Nhật Bản tới. Họ dựng một hầm trú bom và lũ trẻ luôn phải đeo mặt nạ phòng độc mỗi khi từ trường về nhà.

ky-uc-han-sau-noi-nhung-dua-tre-chung-kien-tran-tran-chau-cang-2

Đại gia đình Oka vào năm 1938. Ảnh: Time

Walter Oka, lúc ấy 13 tuổi, đang theo dõi đài phát thanh cùng 5 anh chị em thì nghe thấy những tiếng nổ lớn. Từ ngôi nhà của họ ở Aiea, họ nhìn thấy rất rõ khung cảnh tại Trân Châu Cảng.

Khi tàu USS Arizona nổ tung, áp lực từ vụ nổ khiến Oka loạng choạng. Oka nhớ vào ngày hôm đấy, ông nhìn thấy người ta liên tục chuyển những chiếc quan tài gỗ đi qua trước nhà, hướng tới một khu chôn cất tạm thời.

Trong những ngày đầu tiên sau cuộc tấn công, các quan chức Mỹ đến nhà và tịch thu chiếc radio của anh ông. Rồi các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng tìm tới. Họ nghe được thông tin rằng Walter Oka đã nghiên cứu lịch trình những con tàu đến và rời cảng. Khi biết đối tượng tình nghi chỉ là một cậu nhóc 13 tuổi hiếu kỳ về tàu biển, họ bỏ đi.

Oka cho hay ông rất thoải mái khi nói về những chuyện xảy ra trước đây nhưng không có nhiều cơ hội để chia sẻ.

"Không ai hỏi cả", ông cho biết. "Và tôi thì không phải lúc nào cũng tự nguyện". Nhưng bây giờ, thời thế đã khác. Người ta bắt đầu muốn tìm hiểu nhiều hơn, muốn biết ông đã ở đâu, nhìn thấy gì, nghĩ ra sao về trận chiến cách đây 75 năm.

Vũ Hoàng

VNExpress

Trân Châu Cảng, Mỹ, Nhật Bản, hải quân, ký ức


© 2021 FAP
  3,527,645       5/895