Y tế

Bệnh viện sản khoa đua nhau... may thẩm mỹ

PN - Đã có những trường hợp may thẩm mỹ bị biến chứng như dị ứng chỉ, nhiễm trùng, may xấu; mất cảm giác, bị khô, đau khi quan hệ tình dục... nhưng nhiều người đã phải “ngậm đắng nuốt cay”.

 

Nhiều sản phụ mong muốn được may thẩm mỹ sau sinh, nhưng không được tư vấn kỹ càng

May thẩm mỹ chỉ vài phút sau sinh

Bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Tường, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) An Bình thừa nhận, BV có thực hiện may thẩm mỹ (MTM) sau sinh cho chị Nguyễn Thị Hạnh. Theo BS Tường, đây là công việc chuyên môn, thường thì khi sinh, sản phụ (SP) được cắt tầng sinh môn (TSM). Các BS thường kết hợp việc khâu TSM với MTM. “Chưa ai chết vì MTM hết. Ca này tử vong là do sốc, mất máu do đờ tử cung”.

Được biết, Sở Y tế TP.HCM vừa chỉ đạo tiếp tục thành lập hội đồng chuyên môn cấp sở lần 2 để thẩm định, kết luận vụ việc mà báo Phụ Nữ TP.HCM đã đề cập trong bài Bệnh viện An Bình cấp giấy “bệnh nặng xin về” cho bệnh nhân đã tử vong. Trước đó, hội đồng chuyên môn khoa học cấp sở lần 1 đã tiến hành kiểm thảo vụ việc và kết luận sản phụ Nguyễn Thị Hạnh tử vong do sốc không phục hồi sau băng huyết. Tuy nhiên, trong thành phần hội đồng chuyên môn cấp sở lại có sự tham gia của người nhà (tức chồng bác sĩ L.T.A.T.) - một trong những người tham gia điều trị cho sản phụ Hạnh.

Trong khi còn nhiều nghi vấn về nguyên nhân tử vong của SP Hạnh có liên quan đến việc MTM thì theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng MTM TSM cho SP sau sinh hiện diễn ra khá phổ biến tại các BV: Từ Dũ, Hùng Vương, Mê Kông, Phụ sản quốc tế Sài Gòn... Nhiều SP cho biết, sau khi sinh, nhân viên y tế gợi ý họ MTM mà không yêu cầu ký cam kết phẫu thuật.

Tại BV Phụ sản Sài Gòn, SP H.K.T. (Q.5) cho biết, chị nhập viện tối 22/9. Sau khi sinh vài phút, chị được BS tiến hành MTM. Dù có cảm giác đau sau khi hết thuốc tê nhưng đến ngày 25/9, chị T. xuất viện vì không có gì bất ổn. Trong khi đó, tại BV Phụ sản Mê Kông, chị H. (Bình Dương) bị dị ứng với chỉ tự tiêu sau một tuần MTM. Chị H. kể, sau khi sinh khoảng năm phút, chị được các BS MTM, không có cam kết gì. Khi thuốc gây tê không còn tác dụng thì chị bị đau nhức dữ dội.

Ngày 25/9, tiếp xúc với chúng tôi, chị H. vẫn còn đau nhức. Hai ngày sau, chị H. xuất viện và phải mua thuốc kháng viêm, giảm sưng, giảm đau sử dụng đến 10 ngày. Chị H. cho biết, toàn bộ viện phí 23 triệu đồng, trong đó chi phí MTM là hai triệu đồng.

Không chỉ BV tư, tại nhiều BV công lập, SP cũng được MTM TSM sau sinh. SP L.T.M.C. (Tiền Giang), nằm tại khoa sản A, BV Từ Dũ cho biết, vừa sinh xong chừng năm phút, chị được BS MTM. Tương tự, tại khoa sản A, BV Hùng Vương, SP T.T.T. (TP.HCM) sinh con thứ ba cũng được MTM như hai lần trước.

Khi sinh tự nhiên theo ngả âm đạo, BS sẽ rạch TSM để tránh gây tổn thương các bộ phận xung quanh TSM. Sau sinh, BS sẽ may lại đường rạch này, không cắt bỏ niêm mạc (gọi là may thường). Đây là chỉ định phổ biến từ lâu nay. Còn MTM không phải là kỹ thuật cấp cứu hay vì bệnh lý mà liên quan đến thẩm mỹ. Khi MTM, BS cắt bỏ da, niêm mạc, chỉnh gọn và thu nhỏ thành âm đạo.... tức là có xâm lấn, và có thể có biến chứng.Nhiều BS cho rằng, để giảm nguy cơ tai biến đến mức tối đa, kỹ thuật này có thể thực hiện sau sinh ít nhất hai, thậm chí là ba tháng. Khi đó cơ thể SP đã trở về bình thường, góp phần cho việc thực hiện kỹ thuật chính xác và an toàn hơn. Thế nhưng, thực tế, hầu hết SP đều được MTM ngay sau sinh.

LUẬT SƯ PHẠM LĨNH SƠN (PHÓ TRƯỞNG VĂN PHÒNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ PHỤ NỮ SỐ 6)

Không thực hiện cam kết trước khi làm thủ thuật là việc làm trái luật

Luật Khám chữa bệnh có quy định rất rõ ràng, cụ thể việc cam kết về những thủ thuật nhỏ (may thẩm mỹ cho sản phụ sau sinh cũng là thủ thuật nhỏ).

Việc không thực hiện cam kết với người bệnh, người tham gia thủ thuật là việc làm trái luật. Theo điều 73, chương VII của Luật Khám chữa bệnh, khi xảy ra tai biến hay tử vong thì trước hết người bệnh (hay người nhà bệnh nhân) làm đơn khiếu nại đến ban giám đốc bệnh viện xem xét về sự việc đó có phải do lỗi của y bác sĩ hay không. Luật quy định cơ sở khám chữa bệnh thành lập hội đồng chuyên môn xem xét và có kết luận người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Dựa trên kết luận này sẽ có hình thức giải quyết. Nếu các bên không thỏa thuận, giải quyết với nhau được thì có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự với thời hạn 5 năm kể từ ngày xảy ra tai biến, tử vong.

Không ký cam kết, sản phụ thiệt

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ TP.HCM, BS Dương Phương Mai - Phó giám đốc y khoa, BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn cho biết, dịch vụ, kỹ thuật MTM đã được đăng ký và có sự cho phép của Sở Y tế. MTM sau sinh giúp cho SP có thời gian dưỡng bệnh, không cần phải quay trở lại BV, khỏi phải chịu thêm một lần đau đớn (nếu MTM sau sinh vài tháng). Trước khi thực hiện, các SP đều được ký cam kết với BV. BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn chỉ thực hiện MTM một số trường hợp, số còn lại thường hẹn bệnh nhân sau hai tháng.

Trong khi đó, theo lãnh đạo BV Từ Dũ, việc cắt TSM cho SP khi sinh ngả âm đạo là chỉ định thường quy cho SP sinh con so, TSM chắc hay sinh khó do TSM. Có một số khuyến nghị, chỉ nên may TSM sáu tuần sau sinh, tuy nhiên, trên nguyên tắc, nếu có vết cắt thì cần phải may ngay để phục hồi nguyên trạng TSM, gồm niêm mạc âm đạo, cơ TSM và da để làm kín vết thương, tránh chảy máu, hạn chế nhiễm trùng.

BS Nguyễn Văn Trương, Giám đốc BV Hùng Vương cho biết, BV có thực hiện MTM TSM, nhưng đây là vấn đề phụ thuộc vào quan điểm của BS. BS Lê Văn Hiền - Phó giám đốc BV Phụ sản Mê Kông cho rằng, có sự nhầm lẫn MTM với may phục hồi TSM. MTM được áp dụng cho những người đã trải qua nhiều lần sinh và TSM bị xấu, bị rách và chỉ chỉnh sửa cho đẹp chứ không nhằm mục đích liên quan đến việc đạt cực khoái như việc may phục hồi TSM. MTM sau khi SP vừa sinh xong để TSM đẹp hơn, sẽ đỡ phải chờ đợi.

Tuy nhiên, không ít SP thắc mắc, MTM là một kỹ thuật riêng, không liên quan đến can thiệp sinh đẻ, vì sao các BV lại không có thỏa thuận, cam kết với bệnh nhân về kỹ thuật này? BS Lê Văn Hiền thừa nhận, hiện BV chưa thực hiện ký cam kết riêng cho SP về kỹ thuật MTM và ở hầu hết các BV khác cũng đều không thực hiện việc ký cam kết.

Theo một BS sản khoa, việc may thường hay MTM sau sinh cũng đặc biệt quan tâm đến an toàn sức khỏe, sinh mệnh cũng như quyền lợi của SP. Theo BS này, dù tỷ lệ biến chứng, rủi ro của kỹ thuật này thấp, nhưng nếu không vì lợi ích riêng thì không có BV nào “dại dột” thực hiện. Đáng nói là có sự lập lờ của các cơ sở y tế (tư vấn MTM khi SP vừa sinh xong, SP không thể suy xét thấu đáo; việc ký cam kết cũng nơi có nơi không, hoặc ký chung trong hồ sơ sinh, lẽ ra phải làm cam kết riêng). Vì thế, thời gian qua, đã có những trường hợp MTM bị biến chứng như dị ứng chỉ, nhiễm trùng, may xấu; mất cảm giác, bị khô, đau khi quan hệ tình dục... nhưng nhiều người đã phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Với hàng triệu đồng cho một trường hợp MTM, BV nên có những quy định để tránh việc lạm dụng kỹ thuật này nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho SP. Đồng thời, BV cũng cần tư vấn, giải thích rõ ràng, ký cam kết cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, khi có sự cố xảy ra.

HOA LÀI - TIẾN ĐẠT

www.phunuonline.com.vn

sản khoa, sản phụ, may thẩm mỹ, sau sinh, phụ sản, tử vong


© 2021 FAP
  338,798       1/406