PN - Hiện các cơ sở chích ngừa đã hết vắc-xin Infanrix Hexa (6 trong 1), vắc-xin Pentaxim (5 trong 1) để chích cho trẻ từ hai-bốn tháng tuổi.
Hết vắc-xin
9g sáng 20/3, cả gia đình bé Võ Nguyên Khang (năm tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) ngồi thất thểu trước cổng Viện Pasteur TP.HCM vì hết vắc-xin “6 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não do Hib và viêm gan siêu vi B). Bà Hằng - bà ngoại của bé Khang rầu rĩ: “Tây Ninh đã hết vắc-xin “5 trong 1” lẫn vắc-xin “6 trong 1”. Vì vậy, cả gia đình tôi thức dậy từ 5g sáng bắt xe buýt từ Tây Ninh xuống TP.HCM để chích vắc-xin cho cháu, nhưng nhân viên ở đây thông báo hết vắc-xin. Giờ không biết khi nào mới có vắc-xin chích ngừa trở lại. Nếu giá vắc-xin cao, tôi cũng chích cho cháu, vì đã lỡ đến đây”. Từ phòng tư vấn bước ra, mẹ bé Khang bực dọc: “Con tôi chích mũi vắc-xin “6 trong 1” đầu tiên vào lúc hai tháng tám ngày tuổi. Đến lịch chích mũi thứ hai thì bé bị bệnh và sau đó hết vắc-xin, chúng tôi chờ đã ba tháng nhưng cả tỉnh Tây Ninh cũng không có vắc-xin, sợ vắc-xin không còn hiệu quả nên cho con xuống TP.HCM chích ngừa. Bác sĩ của Viện Pasteur khuyên tôi nên cho con chích vắc-xin “4 trong 1” Tetraxim ngừa bốn bệnh cùng lúc là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và chích thêm một mũi vắc-xin viêm gan siêu vi B. Nhưng như vậy rất mất thời gian, phải chích hai lần, gây đau cho con. Còn vắc-xin Quinvaxem dù miễn phí nhưng không dám cho con chích vì lâu lâu lại nghe có ca tử vong”.
Tương tự, cũng trong sáng 20/3, tại Khoa Khám trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, hàng trăm phụ huynh chen chúc nhau đưa trẻ đến tiêm vắc-xin dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phải đem con trở về vì nhận được thông báo hết vắc-xin. Tần ngần tại quầy hướng dẫn, chị Phạm Thanh Nhật (Q.5, TP.HCM) không khỏi lo lắng: “Hai lần đưa con đi bệnh viện để tiêm nhắc lại vắc-xin “6 trong 1”, nhưng vẫn chưa chích được. Lần trước đưa con đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để chích ngừa thì được thông báo hết vắc-xin. Hôm nay tranh thủ nghỉ làm để đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng lại nghe bệnh viện đang tạm ngưng chích vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” (với trẻ tiêm nhắc lại trên 1 tuổi), cúm, thủy đậu”.
Thông báo hết vắc-xin tại BV Nhi Đồng 2
Bác sĩ Phạm Lê Thanh Bình, Trưởng khoa Khám trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, từ cuối tháng Hai đến nay, số lượng trẻ em đến chích vắc-xin tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng vọt. Trước đây trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và chích cho chừng 250 trẻ, nhưng những ngày qua, do tình trạng hết vắc-xin ở một số điểm tiêm chủng nên số lượng trẻ đến chích ngừa tại khoa tăng lên gần gấp đôi (khoảng 400 đến 500 trẻ/ngày). Trong đó, số lượng trẻ đến chích vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” tăng mạnh.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng đã dán thông báo: hết vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, trái rạ (bệnh thủy đậu).
Thiếu chủ động
Thời gian gần đây, tình trạng hết vắc-xin luôn diễn ra đột ngột, bất ngờ, khiến người dân lo lắng. Trong khi cơ quan có trách nhiệm thường viện những lý do phụ thuộc vào thị trường, vào nhà sản xuất, nhà phân phối… thì một chuyên gia về dược bức xúc: “Với vắc-xin dịch vụ, các công ty dược có quyền nhập số lượng vắc-xin theo kế hoạch đã lập. Tuy nhiên, không vì thế mà Cục Quản lý dược thờ ơ để các hãng dược tự quyết định thị trường. Cục phải làm vai trò “nhạc trưởng” để điều tiết vắc-xin. Vì vậy, khi cấp số đăng ký cho các hãng dược phải có những ràng buộc nhất định, như lập kế hoạch dự trữ vắc-xin, tránh “đứt hàng” đột ngột. Cục cần yêu cầu các cơ sở chích vắc-xin dịch vụ khi ký hợp đồng với nhà cung ứng phải có số lượng dự trù, lập kế hoạch rủi ro… để dự trữ lượng vắc-xin, không để thiếu hụt”.
Điển hình, vắc-xin thủy đậu đã hết từ tháng 4/2013, nhưng Cục Quản lý dược vẫn không có động thái tích cực nào về việc này. Đến tháng 2/2014, bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, báo chí vào cuộc thì Cục Quản lý dược mới ra văn bản kêu gọi các nhà cung ứng tìm nguồn vắc-xin. Theo Cục Quản lý dược thì “vì vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời”.
Bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng - Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo: Khi chích ngừa (hoặc tiêm nhắc) nên tiêm đúng loại vắc-xin đã tiêm trước đó để có miễn dịch tốt nhất. Trong trường hợp không có loại vắc-xin đã chích thì nên thay thế bằng vắc-xin của hãng khác có cùng kháng nguyên.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (Q.5, TP.HCM) bức xúc: “Ngành y tế liên tục khuyến cáo người dân cần tham gia chích ngừa phòng bệnh sớm cho trẻ, nhưng lại không đảm bảo đủ nguồn thuốc ngừa thì làm sao tránh được dịch bệnh”.
Tiến Đạt - Văn Thanh - Mai Anh
quản lý vắc-xin