Nhà hay

Những điều đặc biệt chỉ phòng tắm của người Nhật mới có

Phòng tắm của người Nhật có những nét khác biệt rõ rệt so với các phòng tắm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sở dĩ có sự khác biệt bởi do hình thành từ văn hóa và thói quen sinh hoạt của người Nhật và phòng tắm là nơi thể hiện rõ rệt nhất tính cách của người Nhật.
1. Không chú trọng việc trang trí
Nếu như chúng ta thường bắt gặp những không gian phòng tắm lộng lẫy, xa hoa với đèn chùm, tranh trang trí, đèn hắt tường hay những họa tiết được tạo bởi gạch, đá, sỏi tạo vẻ đẹp sinh động trên tường thì những điều này hoàn toàn biến mất ở Nhật. Thay vì việc chú trọng trang trí ở các chi tiết, người Nhật lại cố gắng cải thiện nhu cầu tắm và thư giãn của mình bằng nội thất, vật dụng chính. Những nội thất chính luôn được chọn lựa kiểu dáng và chất lượng tốt nhất, chọn kích thước vừa vặn để mọi người luôn cảm nhận được sự thoải mái và thư thái khi sử dụng.
Phòng tắm Nhật thường mang đến cảm giác gần gũi, thân thiện.
2. Kết nối với thiên nhiên
Có thể dễ nhận thấy rằng, ở nhiều gia đình hiện đại thường bố trí phòng tắm ở "góc thừa" trong nhà và ít khi chú trọng đến không gian này. Họ quan niệm rằng, phòng tắm chỉ là nơi gột rửa những bụi bặm thường ngày nên có thể chú trọng trang trí ở những không gian được sử dụng nhiều như phòng khách và phòng ngủ. 

Tuy nhiên, với người Nhật, việc tắm lại là cả một công phu và nghệ thuật. Tắm không chỉ là để giúp cơ thể sạch sẽ, tắm còn để tận hưởng cuộc sống. Cũng chính vì thế, người Nhật thường ưu ái chọn lựa một góc diện tích khoáng đãng, kết nối với thiên nhiên bên ngoài. Phòng tắm luôn ngập tràn ánh sáng và nét đẹp của tự nhiên được phản chiếu qua lớp kính, để mang lại một cuộc sống đủ đầy và giúp mọi người khi tắm cảm nhận được sự thư thái và sảng khoái như đang tắm ở spa.

Không gian thư giãn luôn hài hòa với tự nhiên.
Ngoài việc chọn lựa những vị trí có nhiều ánh sáng và sử dụng chất liệu tự nhiên, để căn phòng thư giãn được hài hòa với tự nhiên, người Nhật còn mang thêm những chậu cây cảnh nho nhỏ, xinh xinh vào trong phòng. Sự có mặt của cây cảnh hay bonsai có trong phòng tắm sẽ giúp mọi người cảm thấy thư thái hơn khi tận hưởng cảm giác mát lành ngâm mình trong bồn tắm như đang được tắm giữa khung cảnh thiên nhiên.
Phòng tắm gần gũi với tự nhiên.
Mọi góc nhỏ đều ngập tràn ánh sáng.
3. Luôn có bồn tắm và vòi hoa sen
Nếu như ở những không gian phòng tắm hiện nay, khi diện tích nhỏ hẹp thường chỉ sử dụng phòng tắm đứng và vòi hoa sen được sử dụng như "công cụ chính" cho việc tắm táp thì ở Nhật, vòi hoa sen chỉ được dùng để tắm qua loa, cọ rửa cơ thể sạch sẽ trước khi ngâm mình trong bồn tắm. Văn hóa tắm bồn đã có từ hàng nghìn năm trước ở Nhật Bản. Khi những bồn tắm công cộng không còn nhiều ở Nhật thì thói quen tắm bồn được "thu gọn" về mỗi gia đình. Người Nhật luôn thích tắm vào buổi sáng và được ngâm mình nhẹ nhàng trong bồn tắm (ofuro).
Luôn có bồn tắm.
Sử dụng chủ yếu là chất liệu gỗ, sứ và đá cho bồn tắm.
Ofuro luôn đảm bảo được cọ rửa sạch sẽ, không dây bẩn các loại xà phòng hóa chất. Bồn tắm được tái sử dụng nhiều lần vì cả gia đình đều sử dụng chung. Nước sử dụng để tắm xong có thể dùng cho các việc khác như giặt giũ, lau nhà...
Bên cạnh bồn tắm còn có vòi hoa sen.

4. Không đặt toilet chung với phòng tắm

Để giữ vệ sinh tuyệt đối cho phòng tắm, cũng như để tạo nhiều lựa chọn cho mọi người trong gia đình, người Nhật thường chọn phương án tách biệt phòng tắm với phòng vệ sinh. Nếu không gian sống quá nhỏ bé, hai khu vực này sẽ được tách biệt bằng vách ngăn kính tiện lợi để không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khi cùng sử dụng. 

Việc tách biệt hẳn khu vực đặt toilet với các khu vực khác còn bởi lý do, họ không muốn vi khuẩn có trong bồn cầu sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực cần được tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Toilet ở Nhật cũng vô cùng hiện đại với nhiều chức năng giúp xử lý chất thải một cách nhanh chóng. Trên Toilet cũng có nhiều chế độ giúp cho người dùng biết cách xử lý chất thải phù hợp.

Toilet đặt tách biệt với khu vực bồn tắm.
Nếu thiết kế chung thì được tách biệt bởi vách ngăn kính.
5. Luôn có mùi hương đặc biệt trong phòng tắm
Người Nhật coi phòng tắm không chỉ là nơi tắm táp, mà còn là nơi phục hồi cơ thể. Họ có thể ngâm mình thư giãn trong bồn tắm, hay trò chuyện những câu chuyện thú vị cùng nhau trong phòng tắm bởi không gian này luôn có mùi hương khá dễ chịu. Chính vì thế, nước hoa khử mùi phòng tắm luôn là sản phẩm bán chạy ở Nhật. Ngoài ra, lý do chọn lựa gỗ tự nhiên cho phòng tắm cũng giúp cho người Nhật luôn cảm nhận thật gần những tinh túy của thiên nhiên ngay trong không gian mà mình sử dụng.
Phòng tắm luôn phảng phất mùi hương.
6. Chuộng màu trung tính trong trang trí phòng tắm
Phòng tắm được ví như khu vườn của người Nhật, luôn chú trọng đến chất Thiền, phong cách Zen luôn được ưa chuộng trong trang trí và làm đẹp không gian phòng tắm. Bên cạnh cây xanh và ánh sáng, người Nhật luôn mong muốn mở rộng không gian phòng tắm bằng màu sắc và cách sắp xếp nội thất. Phòng tắm Nhật thường được chọn những gam màu trung tính có sắc độ sáng như trắng, be, màu gỗ, ghi xám... để tạo bầu không khí tĩnh tại, bình yên, giúp mọi người tận hưởng được những tinh túy nhất của cuộc sống ngay khi ngâm mình trong bồn.
Màu trung tính được sử dụng trong đa số các thiết kế phòng tắm của người Nhật.
7. Chọn ánh sáng ấm áp
Người Nhật "không ưa" chọn ánh sáng trắng. Do sử dụng nhiều chất liệu tự nhiên và muốn tạo không gian thư giãn, họ luôn cần cảm nhận được sự yên bình và ấm áp nên ánh sáng vàng luôn là sự lựa chọn hàng đầu không chỉ trong phòng tắm mà ở bất kỳ khu vực nào trong nhà.
Ánh sáng vàng ấm áp, dịu dàng.
Tổng hợp
aFamily

phòng tắm, phòng tắm kiểu Nhật, trang trí phòng tắm, bài trí phòng tắm, thiết kế phòng tắm


© 2021 FAP
  1,024,698       7/1,047