Sức khỏe

Sống vui đến cuối đời

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà y học bó tay có thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và sống có ý nghĩa đến cuối cuộc đời nhờ một dịch vụ y tế khá mới mẻ

Sau 3 năm thực hiện, chương trình chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) tại nhà do Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP HCM tổ chức đã giúp hàng trăm bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được nhẹ gánh trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Thay đổi chất lượng sống

Những bệnh nhân này thuộc diện bệnh nặng, tình trạng sức khỏe không cho phép họ trực tiếp đến BV điều trị mà nhân viên y tế sẽ đến tận nhà để tư vấn, khám bệnh, giải thích và dự báo diễn biến tiếp theo.

Ca bệnh mới nhất mà bác sĩ (BS) Quách Thanh Khánh, Phó Khoa CSGN BV Ung Bướu TP HCM, theo dõi là một nữ giáo viên mầm non ngụ quận Gò Vấp. Bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ, có 2 con nhỏ, bị ung thư tuyến nước bọt mang tai giai đoạn cuối. Biết thời gian sống của mình không còn bao lâu, cô đã thổ lộ những điều mong ước, tranh thủ gửi gắm 2 con nhờ người thân chăm sóc. Sau đó, cô đã đăng ký hiến xác cho khoa học và đạt được tâm nguyện cuối cùng trước khi thanh thản ra đi.

Câu chuyện giữa BS với người bệnh ung thư giai đoạn cuối là những chia sẻ nhẹ nhàng, rất thật về đời thường và dường như không có khoảng cách. Không chỉ dùng kỹ năng thông báo tin xấu để người bệnh chấp nhận sự thật, các BS còn nói với thân nhân những tiên lượng về sức khỏe để họ chủ động sắp xếp kế hoạch, thời gian, công việc… và cùng vui sống bên người bệnh trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời.

BS Khánh cho biết mục đích của CSGN là chuyển hy vọng từ ung thư điều trị không hết thành ung thư chăm sóc tốt cho đến cuối đời. BS sẽ giúp bệnh nhân sống trong tâm thế quên đi bệnh tật và không đau đớn, tinh thần thoải mái. Vấn đề chính ở đây là thay đổi chất lượng sống cho họ. Nếu chất lượng sống tốt thì thời gian sống sẽ kéo dài. Đã có người bệnh tưởng chừng 1 tuần nữa sẽ mất nhưng kéo dài được 6-7 tháng, thậm chí đến 2 năm.

Bác sĩ Khánh đang chăm sóc một bệnh nhân ung thư tại nhà
Bác sĩ Khánh đang chăm sóc một bệnh nhân ung thư tại nhà

Mỗi ngày chăm sóc 180 ca

Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung Bướu, hiện mỗi ngày Khoa CSGN điều trị, chăm sóc cho khoảng 170 ca ngoại trú và 10 ca nội trú. Số bệnh nhân mới tiếp nhận mỗi tháng là khoảng 20-30, trong đó có 10 ca chăm sóc tại nhà. Trước đây, số bệnh nhân đăng ký chăm sóc tại nhà mỗi tuần chừng 10 ca thì nay đã tăng lên 30-40 ca.

BS Khánh cho biết trong các bệnh nhân diện này, 20%-30% dưới 40 tuổi. Ở nữ, thường thấy nhất là ung thư vú, dù đã di căn xương nhưng thời gian sống kéo dài 6-7 tháng. Những trường hợp ung thư phổi, gan thì thời gian sống chỉ đếm bằng tuần.

Ở nam giới, ung thư nhiều nhất là gan, đầu-mặt-cổ, đường tiêu hóa. Với bệnh nhân trẻ, việc chăm sóc rất cực vì họ không dễ chấp nhận một kết cục đau buồn sớm. Rất khó có cách thuyết phục họ chấp nhận sự thật như vậy vì ngoài nỗi đau về thể xác thì nỗi đau về tâm lý, tinh thần rất dữ dội. Tuy vậy, BS vẫn có những kỹ năng riêng để giúp họ vui sống trong quãng thời gian quý giá còn lại.

Qua ghi nhận của các BS, công việc thường làm của bệnh nhân trẻ trước khi mất là bàn giao lại công việc, sắp xếp ổn định con cái. Còn với người già, họ thường lo cho con cái yên bề gia thất, ổn định cuộc sống. Có trường hợp ghi chép nhật ký, đề nghị chụp ảnh, quay phim để lại cho con cháu. Cũng có bệnh nhân nhất quyết yêu cầu không tiết lộ thời gian sống còn lại của họ với lý do không muốn người thân ưu phiền.

Theo BS Khánh, khoa có 6 BS luân phiên làm việc, trung bình 2 người đảm nhận 5-6 ca/ngày, không kể những trường hợp có yêu cầu đột xuất. Qua tiếp xúc với bệnh nhân, hầu như các BS đều nhớ như in thói quen, cách sống của từng người.

“Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sống đến khi mất khác với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nằm chờ chết. CSGN thành công khi bệnh nhân hoàn thành các công việc cần thiết cuối đời và được bảo toàn nhân phẩm” -  BS Khánh nhận xét.

“Thời gian sống của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối giống như cánh cửa sổ, khi còn hé thì thân nhân hãy đến với họ, đừng để đóng lại rồi thì gió cũng không vào được” - BS Quách Thanh Khánh, Phó Khoa CSGN Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, so sánh.

Đậm tính nhân văn

Nếu năm 1967, 97% BS không cho biết bệnh nhân sắp chết thì nay, tỉ lệ này gần như đã đảo ngược. Người khai mở chương trình CSGN và gắn bó với Việt Nam 10 năm nay là GS Eric Lewis KraKauer đến từ ĐH Y khoa Harvard (Mỹ).

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đây là một chương trình mang đậm tính nhân văn, chú trọng về mặt ý nghĩa tinh thần, mang lại cho người bệnh trạng thái nhẹ nhàng, không có cảm giác bị bỏ rơi. Đến nay, ngoài các BV tại TP HCM như: ĐH Y Dược, Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, BV Ung Bướu đã huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo định hướng cho hàng trăm BS đến từ các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau.

Người lao động

© 2021 FAP
  13,479,238       24/994