Sức khỏe

Y tế biển đảo chưa được quan tâm

Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” là chủ trương lớn của nước ta được Thủ tướng phê duyệt và quyết định triển khai từ tháng 2-2013

Ý nghĩa lớn của chương  trình này là bảo đảm cho mọi người dân sinh sống, lao động, bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo Việt Nam, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, đặc biệt ở khu vực miền núi, biển đảo, vùng kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, chương trình này chưa được nhiều bộ ngành, địa phương quan tâm.

Những tồn tại nêu trên vừa được Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển đảo đưa ra tại  một cuộc hội nghị ở TP HCM.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, bộ đã ban hành nhiều văn bản nhằm đốc thúc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có các yêu cầu: ban hành danh mục thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá của ngư dân, tàu đánh bắt xa bờ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho ngư dân trên đảo; đào tạo nguồn nhân lực y học biển, huấn luyện cấp cứu trên biển cho ngư dân; ký kết với nước ngoài về việc đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thiết bị lặn biển cho ngư dân Việt Nam.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 117.000 tàu cá với khoảng 700.000 lao động làm việc trên biển mỗi ngày, trong đó có 28.000 tàu cá hoạt động xa bờ. Có 28 tỉnh, thành có huyện đảo. Nghề đánh cá luôn đối mặt với sóng gió, nhiều tai nạn tiềm ẩn, sự cố sức về khỏe khó cứu chữa kịp thời do xa đất liền. Đề án trên mở lối cho ngư dân, chí ít họ cũng được quan tâm về sức khỏe.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết thực tế các bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc. Có địa phương chỉ mới nghe tên đề án thôi, chưa hiểu gì nên khó có thể chủ động triển khai. Ông đề nghị trong kế hoạch cần tăng cường tập huấn sơ cấp cứu, phát triển tủ thuốc cho tàu cá, lập đường dây nóng tư vấn sơ cứu trên biển cho ngư dân khi xảy ra sự cố hay tai nạn bất ngờ.

Phân tích về những tồn tại, khó khăn, Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển đảo cũng chỉ ra rằng một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của đề án; cơ chế chính sách chưa phù hợp; thiếu nhân lực có kiến thức y học biển…

Người lao động

cấp cứu, sức khỏe, bảo vệ, biển đảo, tai nạn, y tế, Đề án


© 2021 FAP
  13,672,342       71/1,057