Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương Nguyễn Đình Hương khẳng định cốt tử của công tác cán bộ vẫn là dân chủ, công khai, minh bạch
Phóng viên: Thưa ông, ở Hội nghị trung ương 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (kết thúc ngày 12-1) đã nghe và cho ý kiến về quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược?
- Ông Nguyễn Đình Hương: Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường; trong nước, sau 30 năm đổi mới, chúng ta có những thành công nhưng cũng còn nhiều thử thách quá lớn, như kinh tế còn khó khăn, nợ công, doanh nghiệp phá sản nhiều, tỉ lệ thất nghiệp lớn, bộ máy cồng kềnh… Nhìn chung, tình hình nhiều bức xúc cho nên toàn Đảng, toàn dân mong Đại hội XII sẽ giải quyết cái gì?
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương
Theo tôi, việc trước hết được giải quyết ở Đại hội XII là công tác cán bộ. Nếu chuẩn bị cán bộ tốt, đủ tầm cỡ, bản lĩnh, kiến thức, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân và dám nói thẳng vào sự thật, dám dựa vào dân thì đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thử thách và có thể tiến kịp các nước anh em láng giềng.
Hội nghị Trung ương 10 bàn về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là việc làm hết sức đúng đắn. Điều này cho thấy Bộ Chính trị, trung ương nhận thấy vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Tuy nhiên, nếu làm được sớm hơn thì còn tốt hơn nữa.
Sở dĩ nói như vậy vì từ trước đến nay, chúng ta đã không làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Thời kỳ tôi về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, được biết năm 1956 Bác Hồ đã suy nghĩ tới việc người kế cận Tổng Bí thư Lê Duẩn sau này là ai. Rồi thời đồng chí Lê Duẩn cũng đã tính người kế cận là ai, Thủ tướng khóa sau là ai.
Nhưng từ Đại hội VI trở đi, dường như công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã không được coi trọng nên bỏ lỡ cơ hội trong việc xây dựng đội ngũ từ xa. Cũng vì vậy, sau này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói một cấu rất thấm thía: “Gần đại hội mới thắp đuốc đi tìm cán bộ”.
Lúc đó, tôi đang làm công tác cán bộ và trực tiếp tham gia làm công tác cán bộ phục vụ Đại hội Đảng. Chính đồng chí Lê Đức Thọ trước khi nghỉ hưu cũng nhìn nhận “chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho Đảng, cho nước”. Từ đó, chúng ta phạm một số sai lầm lớn đối với việc bố trí cán bộ cấp chiến lược, dẫn đến đất nước khó khăn thêm.
Nói ra thực tế trên cho thấy toàn Đảng, toàn dân rất mừng và trông chờ Hội nghị Trung ương 10 bàn về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội XII. Quy hoạch đúng hay sai thì hạ hồi phân giải; còn việc quy hoạch sớm, công khai, dân chủ, minh bạch thì rõ ràng là điều rất tốt đẹp. Cốt tử của công tác cán bộ vẫn là dân chủ, công khai và minh bạch.
Việc quy hoạch sớm và công khai, dân chủ, minh bạch sẽ giúp sàng lọc để chọn ra được cán bộ có tài, có đức?
- Chủ trương quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là bước tiến bộ lớn. Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII, Bộ Chính trị mới dừng ở mức bàn về “cán bộ chiến lược phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” chung, chưa nói thẳng vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, không tập trung rõ như lần này.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng như công tác luân chuyển cán bộ vừa qua, muốn có kết quả tốt thì phải thực chất chứ như khóa IX có 18 cán bộ đi luân chuyển thì 17 người sau đó vào trung ương. Luân chuyển không phải là tiêu chuẩn số 1 để vào trung ương, không phải dán xong “tem” là chắc chắn.
Không phải nhất nhất nằm trong quy hoạch thì cứ thế là lên mà phải trải qua thử thách, duy trì được “phong độ”, phát huy tốt ở nơi gian khó, được dân yêu quý. Còn nếu không đáp ứng được yêu cầu thì cũng nên nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn.
Đào tạo cán bộ như trồng cây
Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng ngay sau khi kết thúc Đại hội XII, Bộ Chính trị khóa này cần bắt tay ngay vào công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa sau. Đào tạo bồi dưỡng một cán bộ như trồng cây, cần một sự đầu tư lớn từ khâu chọn giống, ươm cây, chăm bón...; cán bộ cần được tuyển chọn rồi trải qua nhiều năm đào tạo, rèn giũa, thử thách, cử đi học tập ở nước ngoài để cập nhật kinh nghiệm. Phẩm chất, đạo đức của một con người cũng cần thử thách qua thời gian, qua rèn luyện, vượt qua được cám dỗ đời thường, đặc biệt là cấp chiến lược.