Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý cho rằng các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các hãng taxi, đang giảm giá một cách nhỏ giọt, không tương xứng với việc giảm giá xăng dầu
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội cho biết đến nay đã có 69 doanh nghiệp (DN) taxi kê khai giảm giá từ 500-1.000 đồng/km, tương ứng 4-9% giá cước cũ; 15 hãng vận tải khách cố định cũng đăng ký giảm cước đường dài với mức 10-15% so với giá vé cũ.
Tăng giá rất nhanh, giảm nhỏ giọt
Theo Sở Tài chính TP Hà Nội, trong số 69/114 DN taxi đăng ký giảm giá cước, 51 đơn vị giảm từ 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm từ 800-1.000 đồng/km (5-8%); chỉ 3 trường hợp giảm từ 1200-1500 đồng/km (10-11%) là các hãng taxi Mai Linh, Thiên Phong (taxi Thành Công) và Thanh Nga. Trong số 62 DN vận tải khách cố định trên địa bàn, chỉ có 19 đơn vị giảm giá cước phổ biến 5-10%.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết khi giá xăng dầu tăng, DN ngay lập tức tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, lúc xăng dầu giảm thì DN lại giảm giá cước nhỏ giọt. “DN phải giảm phù hợp với giá xăng dầu, nếu giữ nguyên thì cần công khai lý do để khách hàng hiểu và chia sẻ” - ông Ngọc nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng, Sở GTVT, Sở Tài chính và Chi cục Thuế Hải Phòng vừa thành lập đoàn liên ngành, tiến hành 2 đợt kiểm tra giá cước vận tải ô tô trên địa bàn. Sở GTVT TP Hải Phòng cũng đã ra văn bản lần 3, gửi các DN vận tải hành khách tuyến đường bộ, đốc thúc về việc giảm giá cước; nghiêm cấm tăng giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán.
Đến ngày 12-1, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có 14/36 DN, HTX vận tải hành khách, sở hữu 500 đầu xe, giảm giá cước bình quân 7%; 12/25 hãng taxi với 2.000 xe giảm giá cước bình quân 5%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT TP Hải Phòng, trong khi giá xăng dầu giảm mạnh thì các DN giảm giá cước vận tải kiểu nhỏ giọt.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá cước của các DN vận tải hành khách trên địa bàn TP HCM, từ cuối tháng 12-2014, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT yêu cầu các DN vận tải ô tô tính toán lại giá thành, kê khai giá cước vận tải. Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP, đến nay gần như 100% DN vận tải taxi đã điều chỉnh giảm giá và khoảng 50% DN vận tải tuyến cố định áp dụng giá mới, giảm hơn so với mức giá trước đây. “Một số DN đề xuất mức giảm giá ít, không tương xứng với tỉ lệ giảm giá xăng dầu nên Sở Tài chính yêu cầu tính toán lại và có mức điều chỉnh phù hợp hơn” - ông Chiến thông tin.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng, cho rằng đối với ngành vận tải hàng hoá, khách hàng luôn lựa chọn những hãng vận tải có giá thấp hơn. Ngoài ra, hợp đồng ký kết vận tải cũng nêu rõ nếu giá xăng dầu giảm trong dao động đã cam kết thì DN vận tải phải tính lại giá cước cho khách hàng. “Giá xăng dầu giảm thì buộc cước vận tải cũng giảm theo, đó là quy luật của thị trường” - ông Hiệp nói.
Cần mở đợt thanh tra, kiểm tra
Theo ông Nguyễn Bé, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai giá cước vận tải, tính toán chi phí nhiên liệu trong giá thành vào thời điểm giá xăng dầu giảm để giảm giá cước vận tải cho phù hợp. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng quy định về kê khai, niêm yết giá cước vận tải; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của các sở, ngành liên quan.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng trong thời gian qua, các DN vận tải, nhất là các hãng taxi, giảm giá rất chậm, mang tính hình thức. “Bộ Tài chính, trong đó có Cục Quản lý giá, cần kiểm tra trực tiếp việc này xem DN nào niêm yết, kê khai giá không đúng so với cơ cấu đầu vào, sau đó xử lý theo pháp luật về giá” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, chức năng của Bộ GTVT không phải là quản lý giá mà chỉ quản lý về điều kiện kinh doanh. Đúng ra, việc lập các đoàn kiểm tra, thanh tra giá cước vận tải phải do Bộ Tài chính tổ chức hoặc làm trưởng đoàn, còn Bộ GTVT chỉ phối hợp vì việc quản lý giá là của Bộ Tài chính. Ông Thanh cũng nhận định các hãng taxi đang giảm giá rất chậm và nhỏ giọt. Tuy nhiên, để biết họ giảm đúng hay sai, hợp lý hay chưa thì cần phải kiểm tra việc kê khai giá của các hãng taxi trong những năm trước. “Chúng ta không thể đòi hỏi các hãng phải giảm giống nhau, cần kiểm tra lại thời điểm trước đây họ kê khai giá cước thì mức giá xăng dầu như thế nào...” - ông Thanh đề nghị.
Nhiều DN “án binh bất động”
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tuyến xe buýt ở Quảng Nam như Quế Sơn - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Núi Thành vẫn giữ nguyên giá. Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Tài chính và Sở GTVT phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các đơn vị kinh doanh vận tải. Quá trình kiểm tra cho thấy sau hai đợt giảm giá xăng dầu mới đây, các DN vẫn chưa điều chỉnh giảm. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra nếu các DN này chậm giảm giá cước thì sẽ có biện pháp xử lý” - ông Nhân nhấn mạnh.
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 2/14 đơn vị đang kinh doanh vận tải hành khách không giảm giá cước, gồm: Ban Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng và Chi nhánh Công ty CP Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ (kinh doanh taxi). Lý do không giảm cước được Ban Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng đưa ra là đơn vị đang áp dụng giá cước vận tải hành khách công cộng đã được HĐND TP Cần Thơ thông qua. Riêng Chi nhánh Công ty CP Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ lý giải do giá kê khai đã dự trù bù lỗ và giảm giá thành thấp hơn các hãng taxi khác. Đến chiều tối 12-1, chúng tôi liên hệ với hãng xe chất lượng cao Phương Trang thì được biết giá vé tuyến Cần Thơ - TP HCM vẫn giữ nguyên mức cũ là 125.000 đồng/vé.