Công nghệ thông tin

Giám sát hoạt động tố tụng

Sáng 12-1, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tiến hành giám sát về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự tại tỉnh này.

Nhiều án bị hủy

Các cơ quan ở Phú Yên được giám sát là Công an, VKSND, TAND, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Hải quan tỉnh Phú Yên.

Ông Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, Phó trưởng đoàn giám sát của QH, Trưởng đoàn công tác tại Phú Yên - cho biết nội dung giám sát là xem xét, đánh giá thực trạng, tình hình, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, số án sơ thẩm trong thời gian từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2014 ở tỉnh này bị kháng cáo, kháng nghị rất nhiều, lên đến 574 vụ. Trung bình cứ 3 vụ án được đưa ra xét xử thì đã có 1 vụ bị kháng cáo, kháng nghị. Đặc biệt, số án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm tuyên hủy án, điều tra lại chiếm số lượng lớn, đến 41 vụ trong 3 năm. Số bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng đến cấp phúc thẩm chuyển hình phạt tù cũng chiếm tỉ lệ cao, gần 23%, với 24 bị cáo.

Ông Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, cho rằng nguyên nhân án bị hủy, cho hưởng án treo không đúng là do lỗi chủ quan của HĐXX và thẩm phán chủ tọa phiên tòa. “Họ đánh giá chứng cứ không đúng, vi phạm thủ tục tố tụng, chưa đánh giá đúng mức độ hành vi phạm tội của bị cáo” - ông Phước thừa nhận.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Phú Yên
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Phú Yên

Không có án oan?

Trong ngày giám sát đầu tiên ở Phú Yên, nhiều số liệu báo cáo chênh nhau rất lớn. Một thành viên của đoàn giám sát đặt vấn đề: Về tin báo tố giác tội phạm, số liệu của công an là 3.084, trong khi số liệu của VKSND tỉnh lại là 2.919, chênh lệch 165 tin. Về số bị can chết trong nhà tạm giam, tạm giữ, viện kiểm sát báo là 2 trong khi công an bảo 3 trường hợp. Số liệu vụ án tạm đình chỉ, báo cáo cũng có sự chênh nhau giữa công an và viện kiểm sát. “Theo quy định, 3 ngành cùng ký các văn bản này. Vì sao có sự khác nhau như thế” - thành viên này đặt vấn đề.

Về các trường hợp chết trong nhà tạm giam, tạm giữ mà theo Công an Phú Yên có 1 trường hợp do treo cổ tự tử, 2 trường hợp do bệnh lý, một thành viên của đoàn giám sát yêu cầu phải báo cáo rõ thời gian tạm giam, tạm giữ của các đối tượng và kết luận các đối tượng này có tội hay không.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, trong 3 năm, Phú Yên không có vụ án oan. Tuy nhiên, đã có 438 vụ án với 61 bị can bị tạm đình chỉ điều tra và 53 vụ với 58 bị can bị đình chỉ điều tra. Trong đó, có 3 vụ án với 3 bị can bị đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm.

“Nếu không cấu thành tội phạm thì nó là oan. Cần xem lại 3 vụ này” - một thành viên của đoàn giám sát đặt vấn đề. Một thành viên khác của đoàn giám sát cũng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm giải quyết đối với 3 bị can đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm...

Trong ngày, đoàn giám sát của QH cũng quan tâm nhiều đến vụ án dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người xảy ra ở Phú Yên. Đấy là trường hợp đối với nghi can Ngô Thanh Kiều. Theo báo cáo UBND tỉnh Phú Yên, đây cũng là trường hợp bức cung, dùng nhục hình duy nhất ở Phú Yên trong 3 năm qua.

Làm rõ vụ Trần Thị Hải Yến

Đoàn giám sát cũng quan tâm nhiều đến vụ Trần Thị Hải Yến chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Đây là trường hợp duy nhất chết ở nhà tạm giam, tạm giữ có đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài từ năm 2012 đến nay. “Vụ án này Chủ tịch nước đã yêu cầu 3 ngành tố tụng trung ương kiểm tra nhưng việc khiếu nại vẫn kéo dài, căng thẳng. Yêu cầu báo cáo cho đoàn giám sát biết kết luận của liên ngành trung ương để đánh giá vụ việc”- một thành viên đoàn giám sát đề nghị.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,316,756       1/259