Thông báo về việc đóng cửa Trung tâm Thương mại Parkson Keangnam Landmark, Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết nguyên nhân do không đạt được doanh thu theo kế hoạch
Ngày 2-1, Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Keangnam Landmark (đường Phạm Hùng, Hà Nội) đột ngột thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài trong 2 ngày 3 và 4-1. Sau đó, sáng 3-1, Parkson ra thông báo khác, yêu cầu các cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3-1.
Đột ngột thông báo đóng cửa
Với quyết định đột ngột này, đến tối 3-1, nhiều cửa hàng đã phải cố gắng di chuyển đồ đạc, hàng hóa cho kịp thời hạn, tạo nên một cảnh hỗn loạn trước tòa nhà. Các mặt hàng kinh doanh, đồ đạc được đóng thùng để chuyển lên xe tải đưa đi. Được biết, tại tầng hầm B1 và tầng 1 của TTTM này có 60 đơn vị kinh doanh với rất nhiều mặt hàng. Đến 20 giờ 30 phút ngày 3-1, đồ đạc, hàng hóa mới được chuyển hết ra ngoài.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trưa 4-1, vẫn còn khá nhiều công nhân đang chuyển đồ ra khỏi TTTM, một số công nhân cho biết hàng hóa đã chuyển ra từ tối 3-1, sáng 4-1 chỉ còn chuyển các tủ kệ. Ngay trước cổng trung tâm mua sắm lớn nhất Hà Nội, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều tủ kệ nằm ngổn ngang chưa được chuyển đi. Mọi đường dẫn vào tầng 1 bị lực lượng bảo vệ chốt chặn không cho người lạ vào trong.
Về nguyên nhân đóng cửa, theo thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi các chủ quầy hàng có đoạn: “Kể từ khi mở cửa kinh doanh năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra và chúng tôi nhận thấy quầy hàng của quý đối tác cũng đang phải chịu đựng các khoản lỗ lớn cho đến nay”. Bởi vậy, trước tình hình này và sau khi có sự cân nhắc kỹ từ ban giám đốc, TTTM đã quyết định thông báo đến các đối tác thuê mặt bằng về việc dừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày 2-1-2015.
Hà Nội chưa nhận được thông báo
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho rằng trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, rầm rộ sang nhượng như hiện nay, việc đóng cửa, dừng hoạt động một siêu thị hay TTTM nào đó là bình thường. “Tuy nhiên, dù nguyên nhân do thua lỗ hay có ý định chuyển hướng kinh doanh... thì phía Parkson phải có cách ứng xử cho phù hợp. Phải căn cứ vào hợp đồng thuê mặt bằng của từng chủ nhân các gian hàng để xem xét thời gian chấm dứt hợp đồng phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích cho các bên” - ông Phú lưu ý.
Một chuyên gia kinh tế bình luận việc các TTTM ở những thành phố lớn lâm vào tình trạng ế ẩm đã tồn tại nhiều năm qua nên không ngạc nhiên khi Parkson đóng cửa. “Với giá cả đắt đỏ, lại thêm nhiều siêu thị, TTTM khác cạnh tranh như Lotte, VinMart…, việc các TTTM hạng sang không cạnh tranh được là tất yếu, nhất là trong bối cảnh bức tranh bán lẻ của Việt Nam đang ảm đạm do cầu yếu” - chuyên gia này nhận xét.
Trong khi đó, nguồn tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết do đang trong chuỗi ngày nghỉ lễ và nghỉ cuối tuần nên đơn vị này chưa nhận được thông báo về việc xin đóng cửa TTTM của Parkson.
Đóng cửa sau 3 năm hoạt động
Parkson Landmark khai trương ngày 2-12-2011 được xem là sự kiện đánh dấu sự phát triển của Parkson tại phía Bắc. Đây cũng chính là TTTM mang thương hiệu Parkson thứ 8 tại Việt Nam với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến hơn 35.600 m2, gồm 5 tầng, phân chia thành các khu vực kinh doanh riêng biệt, tổng mức đầu tư 10 triệu USD.