Nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chế tài nhiều hành vi mà trong các quy định cũ chưa có và mức phạt cũng được nâng lên
Hôm nay, 25-12, Nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chính thức có hiệu lực. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết nghị định mới chế tài thêm nhiều hành vi mà trong các quy định cũ chưa có và mức phạt cũng được nâng lên. Do đó, sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý mạnh tay xử phạt các trường hợp vi phạm. Các vi phạm phát sinh trước ngày 25-12 thì cho phép áp dụng văn bản quy phạm tại thời điểm phát hiện sai phạm, nếu Nghị định 102 có lợi cho người bị xử phạt thì sẽ áp theo nghị định này.
Siết chủ đầu tư
Điểm mới đáng chú ý là quy định về xử phạt chủ đầu tư các dự án nhà ở chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho người mua. Cụ thể, nếu chủ đầu tư nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ hồng nhưng chậm từ 3 tháng trở lên, tính từ thời điểm bàn giao nhà, sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, tùy vào thời gian chậm và số hộ bị chậm. Thời gian qua, TP đã đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở nhưng rất nhiều chủ đầu tư vẫn chây ì làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người dân. Thậm chí, một số chủ đầu tư đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm cố ngân hàng hoặc đã có sổ hồng nhưng cố tình cù cưa không bàn giao cho người dân, chẳng hạn chung cư Minh Thành (quận 7), chung cư Vườn Hồng Ngọc (quận Bình Tân), chung cư 346 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)… Sở TN-MT hy vọng quy định này sẽ siết trách nhiệm của các chủ đầu tư, bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà.
Trường hợp tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê thu tiền hằng năm sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp. Hiện nay, trên địa bàn TP có rất nhiều doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất để đầu tư dự án nhưng đem cho thuê lại, gây lãng phí tài nguyên của TP và bức xúc trong dư luận. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn được cho thuê 26.000 m2 đất tại quận 8 từ năm 2010 nhưng lại đem cho thuê làm bãi đậu ô tô và không đóng tiền thuê đất cho TP.
Trường hợp tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền trong dự án nhà ở sẽ bị phạt từ 20 - 200 triệu đồng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm này.
Không chỉ người chuyển nhượng bị phạt mà theo Nghị định 102, cả người nhận chuyển nhượng phần đất không đúng quy định cũng bị phạt. Chẳng hạn, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sẽ bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp có nguồn gốc nhà nước giao đất sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng… Các trường hợp nhận chuyển nhượng sai quy định đều bị buộc trả lại đất.
Ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở TN-MT, cho biết một trong những yếu tố quan trọng của việc xử phạt là xác định diện tích đất sai phạm nhưng nhiều khi chủ đất không thống nhất với đoàn kiểm tra nên khó khăn khi xử phạt. Nghị định 102 cho phép đoàn kiểm tra xác định diện tích đất vi phạm, nếu chủ đất không đồng ý thì có thể thuê đơn vị đo đạc nhưng phải chịu chi phí này.
Vừa phạt vừa xin ý kiến
Đại diện quận 4 cho biết trên địa bàn có một trường học bị sạt lở, có kế hoạch di dời về địa điểm mới nhưng đang chờ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản mới bàn giao. Nhiều công trình phúc lợi, công cộng sử dụng nguồn đất này cũng đang bị ách lại. Ngược lại, các doanh nghiệp tuyên bố phá sản cố tình kéo dài thời gian, đem đất cho thuê hưởng lợi, không đóng thuế cho nhà nước. Vì thế, quận 4 đề nghị Sở TN-MT hướng dẫn xử lý vi phạm đối với trường hợp này. Trong khi đó, đại diện quận Bình Thạnh tỏ ra phân vân khi Nghị định 43 (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) cho phép các trường hợp lấn chiếm, sử dụng không đúng quy hoạch sau ngày 1-7-2014 được tồn tại và cấp sổ hồng nhưng theo quy định mới thì lại bị xử phạt nên không biết phải xử lý như thế nào. Một số quận, huyện còn phản ánh hiện có tình trạng đem đất công cho thuê nhưng lấy danh nghĩa liên doanh, góp vốn nên rất khó xử phạt. Ông Dư Huy Quang cho biết không nghị định nào có thể hướng dẫn chi tiết tất cả các hành vi vi phạm. Vì vậy, khi xử lý sai phạm, cán bộ phải vận dụng và chứng minh hành vi đó thông qua những chi tiết bất thường. “Ví dụ, trường hợp cho thuê đất nhưng hợp đồng lại ghi là liên doanh, liên kết. Nếu là liên doanh thì việc chia lợi nhuận phải căn cứ trên doanh thu cuối kỳ, hợp đồng nào chia lợi nhuận hằng tháng, hằng quý thì đã rõ là trả tiền thuê mặt bằng, cứ thế mà xử lý!” - ông Quang hướng dẫn. Theo ông Quang, Sở TN-MT sẽ tổng hợp ý kiến của các quận, huyện để xin hướng dẫn từ Bộ TN-MT.
Không đăng ký đất đai cũng bị phạt
Chủ đất không đăng ký đất đai lần đầu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Các trường hợp cho thuê, tặng, chuyển nhượng nhưng không đăng ký biến động đất đai sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn TP còn hơn 120.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp sổ hồng, theo Nghị định 102, người sử dụng đất vẫn phải đăng ký đất đai.