Công nghệ thông tin

Khang trang nhờ nâng cấp đô thị

Dù TP HCM rất nỗ lực thực hiện dự án nâng cấp đô thị trong 10 năm qua nhưng Ngân hàng Thế giới đánh giá tiến độ giải ngân vẫn chậm

Sau 10 năm Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai thực hiện dự án Nâng cấp đô thị tại 4 TP gồm Hải Phòng, Nam Định (thuộc tỉnh Nam Định), Cần Thơ, TP HCM, kết quả mang lại đáng ghi nhận: Vừa giúp phát triển đô thị vừa hướng tới một cuộc sống ổn định, căn cơ cho hàng chục ngàn người nghèo. Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với bà Hoàng Thị Hoa, Chủ nhiệm điều hành dự án thuộc WB, để đánh giá kết quả thực hiện tại 4 địa phương nhân dịp WB tổng kết “Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam” diễn ra tại TP HCM vào hôm nay (19-12).

Phóng viên: Qua chặng đường 10 năm, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của dự án?

Khang trang nhờ nâng cấp đô thị

- Bà Hoàng Thị Hoa: WB cùng Chính phủ Việt Nam chọn Hải Phòng, Nam Định, Cần Thơ, TP HCM để thực hiện “Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam” vì đây là những đô thị xuống cấp, có dân cư đông, cần chỉnh trang. Mục tiêu dự án rất toàn diện: xóa đói giảm nghèo, cải tạo cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực quản lý, cho vay vốn. Kết quả mang lại rất ý nghĩa: Vừa giúp phát triển đô thị vừa hướng tới người nghèo.

Tại TP HCM, dự án tổng thể nâng cấp đô thị dựa trên sự đóng góp từ người dân: Dân tự xác định chiều rộng, chiều dài của công trình. Riêng độ cao của đường thì phải theo quy hoạch nên có lúc chính quyền chấp nhận bị dân “mắng”! Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau đó, hộ dân đã tự thu xếp kinh phí nâng nền nhà để thoát cảnh ngập. Việc thi công điện, nước cũng không bị đào xới nhiều lần.

Ngoài ra, WB cũng đánh giá TP HCM làm công tác giải phóng mặt bằng tốt, đưa ra nhiều phương án lựa chọn tái định cư cho người dân.

70% vốn tín dụng của toàn dự án được WB đầu tư cho TP HCM. Rõ ràng, đây là số tiền không nhỏ?

- Sau khi được bổ sung vào năm 2010 thì vốn tín dụng cho 4 thành phố là 382 triệu USD. Trong đó, vốn tín dụng cho TP HCM chiếm 70% với 266 triệu USD, nếu cộng vốn đối ứng của TP thì vốn đầu tư của TP khoảng 407 triệu USD.

Đường Lò Gốm, đoạn đi qua quận 6, TP HCM được mở rộng, khang trang từ khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm từ vốn của WB triển khai Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đường Lò Gốm, đoạn đi qua quận 6, TP HCM được mở rộng, khang trang từ khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm từ vốn của WB triển khai Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Như vậy, so với các thành phố khác thì năm 2010, TP HCM được bổ sung vốn quá lớn mà chủ yếu dành cho dự án cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm (120 triệu USD). WB cũng đánh giá cao kết quả mà Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP HCM thực hiện với tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Nếu như trước đây cũng nguồn vốn của WB, TP HCM làm dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè mất hơn 10 năm thì kênh Tân Hóa - Lò Gốm chỉ làm chừng 4 năm (từ năm 2010 đến nay). Ngay khi WB bỏ tiền vào dự án này, chúng tôi sợ rằng nguy cơ không thành công nhưng nay nhìn lại tuyến Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5 km, công trình đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng, trồng cây xanh thì đã thấy yên tâm. Tiến độ thi công “kinh khủng”, nhà thầu làm việc 24/24 giờ. Điều đó cho thấy TP HCM nỗ lực rất nhiều.

Bà đánh giá như thế nào về tiến độ giải ngân tại TP HCM?

- Hạn chế lớn nhất là tiến độ giải ngân của nhà thầu rất chậm, khoảng 75%. WB nhận thấy nhà thầu không tập trung lắm vào các thủ tục giải ngân mà chỉ tập trung vào việc xây dựng. Họ cứ ỷ lại là còn thời gian ân hạn nên có khi khối lượng công trình đã hoàn thành 80% nhưng giải ngân chỉ 40%-50%. Do đó, WB đã từng khuyến nghị UBND TP HCM hết sức tập trung cho công tác giải ngân để làm sao còn 4-5 tháng nữa việc giải ngân phải hoàn tất.

Bên cạnh đó, hạn chế khác khiến TP HCM bị áp lực về thời gian là lúc bổ sung vốn cho dự án Tân Hóa - Lò Gốm. TP đưa ra kế hoạch thi công quá sát sao mà tính thiếu chi tiết, chủ động trong khi phải giải tỏa, di dời một số lượng lớn người dân, gần 1.500 người. Từ đó đã gây sức ép quá lớn cho nhà thầu trong công tác thi công cũng như tiến độ giải ngân.

Người trăn trở, người phấn khởi

Ông Nguyễn Văn Ký, trước đây ngụ đường Lò Gốm, phường 8, quận 6, TP HCM - một người dân bị giải tỏa dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm năm 2011 - trăn trở: “Sau giải tỏa, gia đình tôi được bố trí 2 nền đất tại khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Nhận đền bù 1,6 tỉ đồng nên khi xây dựng xong 2 căn nhà cho gia đình 8 nhân khẩu ở thì thiếu trước hụt sau. Mỗi ngày, mấy đứa con phải chạy về quận 6 làm ăn, buôn bán nên cuộc sống vẫn khá bấp bênh”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quế Anh - ngụ đường kênh Tân Hóa, ngay sát kênh Thúi, phường Phú Trung, quận Tân Phú - cho biết khu vực nhà bà ở may mắn không bị di dời khi cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm vì TP chỉ mở rộng đường, thay thế cống hộp nên giờ đây đường sá khang trang hơn, nhà cửa có giá trị và không còn phải ngửi mùi hôi thối như trước đây.

V.Lê

Người lao động

Báo Người Lao Động, tái định cư, khu dân cư, UBND TP HCM, ngân hàng thế giới, Chính phủ Việt Nam, quận Tân Phú, kênh Tân Hóa, Vĩnh Lộc B, nâng cấp đô


© 2021 FAP
  3,316,742       1/259