Với tốc độ lao dốc của giá dầu thô thế giới, Việt Nam sẽ phải tăng sản lượng khai thác để bù vào phần hụt thu ngân sách hoặc giảm sản lượng để không lãng phí tài nguyên
Chiều 18-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ này chưa có đề xuất nào về sự điều chỉnh sản lượng khai thác dầu mỏ. Tất cả các kịch bản đều đang được cân nhắc, gồm tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô để không làm hụt thu ngân sách; giảm sản lượng xuất khẩu để giảm lỗ hoặc vẫn giữ nguyên sản lượng khai thác và có giải pháp khác bù hụt thu ngân sách.
Tăng khai thác lúc giá thấp khiến nền kinh tế thiệt hại
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết có 2 cách ứng phó. Một là tăng dự trữ dầu thô để chờ giá cao mới xuất khẩu, việc này Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện. Hai là tăng cường nghiên cứu dự báo diễn biến cung cầu và giá dầu thô thế giới để điều chỉnh sản lượng khai thác, không giữ nguyên sản lượng khai thác nhất định trong nhiều năm.
Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 14-15 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu thô biến động mạnh, các cơ quan tham mưu sẽ trình Chính phủ phương án đối phó. Với tốc độ lao dốc của giá dầu thô thế giới như hiện nay, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là sẽ tăng sản lượng khai thác để bù phần hụt thu ngân sách nhà nước theo dự toán hay giảm sản lượng để không bị lãng phí tài nguyên.
“Các kịch bản vẫn đang được bàn thảo và Bộ Công Thương chưa có quyết định điều chỉnh. Quan trọng nhất là phải tính toán đến sức chịu đựng của ngân sách. Nếu Chính phủ quyết định điều chỉnh sản lượng, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp dầu khí điều chỉnh về mặt kỹ thuật, nhân công…” - ông Hải nói.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết không kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù cho hụt thu ngân sách vì tăng sản lượng trong giai đoạn giá thấp sẽ thiệt hại cho nền kinh tế. Tỉ trọng thu dầu thô trong ngân sách nhà nước chiếm 10,2%. Nếu giá dầu thô giảm xuống 70-75 USD/thùng, ngân sách hụt thu khoảng 3% nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo đảm cân đối ngân sách, không điều chỉnh thu chi và cũng không tăng vay nợ.
GDP có thể mất đến 1,2%
Thông tin mới nhất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết là dầu thô của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 55-60 USD/thùng, chi phí khai thác là 30-70 USD/thùng. Nếu năm 2015, giá dầu giảm xuống mức bình quân 70 USD/thùng thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng trong trường hợp vẫn giữ sản lượng khai thác xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn/năm như năm 2014.
Bộ KH-ĐT cũng đặt vấn đề nếu giá dầu thô giảm đến mức thấp hơn giá thành khai thác, sản xuất dầu không có lãi thì phải tính toán các kịch bản tiếp tục giữ sản lượng khai thác như bình thường hay giảm. Giả sử giảm 30% sản lượng, tăng trưởng GDP năm 2015 có thể suy giảm tới 0,8%-1,2%. Đây là bài toán khó và phải được quyết định thống nhất theo cơ chế phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ: KH-ĐT, Tài chính, Công Thương. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị các bộ liên quan tính toán bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết, cần tính cả việc điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu.
Tìm nguồn thu dự phòng khác
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS Nguyễn Đức Kiên - cho rằng đây là vấn đề rất mới, chưa thể đánh giá được phương án nào tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam. “Cần thêm một thời gian nữa để có đủ dữ liệu. Giữ nguyên sản lượng khai thác mà giá dầu thô hồi phục sớm thì ngân sách đỡ hụt thu” - ông Kiên nói.
“Giá dầu lao dốc nhanh và giữ xu hướng đi xuống trong thời gian dài như vậy là hiếm có, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đưa ra phương án hợp lý nhất, giảm thiểu rủi ro và không gây sốc cho nền kinh tế” - TS Lê Đăng Doanh bình luận và cho biết mỗi kịch bản đều có mặt tác động tiêu cực và tích cực song quyết định cuối cùng phải bảo đảm hài hòa lợi ích chung của nền kinh tế. Trước hết, giảm ngay sản lượng khai thác tại các mỏ có chi phí đắt, giá bán thấp hơn giá thành. Mỏ đang có lãi cần duy trì mức khai thác vừa phải để có nguồn thu, tránh thay đổi đột ngột không có lợi cho nền kinh tế. Khả năng tăng sản lượng khai thác khó thực hiện vì nguồn tài nguyên này không vô tận và về kỹ thuật cũng không dễ dàng. Phải tìm ngay cách đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để trong trường hợp phải cắt giảm sản lượng dầu thô xuất khẩu sẽ có nguồn thu khác bù lại. Bài học của nhiều nền kinh tế cho thấy không nên dựa quá nhiều vào một nguồn thu.
Bộ Công Thương, Nguyễn Đức Kiên, kinh doanh xăng dầu, tăng trưởng GDP, Lê Đăng Doanh, nguồn tài nguyên, Bùi Quang Vinh, giá dầu, xuất khẩu dầu thô, sả