Công nghệ thông tin

TP HCM tập trung 643 người nghiện

Lúc 5 giờ ngày 5-12, TP HCM đã ra quân tập trung người nghiện trên địa bàn. Việc này sẽ kéo dài đến ngày 8-2-2015

Sau gần 1 năm bị vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện, lúc 5 giờ hôm qua (5-12), TP HCM đã ra quân tập trung người nghiện vào các cơ sở xã hội.

Chuẩn bị đầy đủ chờ người nghiện

Sáng 5-12, cán bộ, công nhân viên tại Cơ sở xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh) đều cố gắng hoàn thành những công việc cuối cùng để sẵn sàng tiếp nhận người nghiện. Ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bình Triệu, cho biết cơ sở vật chất đã sẵn sàng. Bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần cũng đã đến đây từ sớm để hỗ trợ công tác cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Phòng Hồ sơ nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM cũng đến để lấy danh chỉ bạ (chụp vân tay người nghiện để làm cơ sở dữ liệu, kiểm tra người nghiện có tiền án, tiền sự, bị truy nã).

Cơ sở xã hội Bình Triệu tiếp nhận người nghiện vào trưa 5-12 Ảnh Hoàng Triều
Cơ sở xã hội Bình Triệu tiếp nhận người nghiện vào trưa 5-12 Ảnh Hoàng Triều

Phòng Hồ sơ học viên là nơi đầu tiên làm việc với người nghiện khi họ được đưa vào cơ sở. Cán bộ sẽ lấy lời khai của người nghiện để đối chiếu hồ sơ của bên công an phường xã thị trấn. Ngay khi vào phòng hồ sơ, người nghiện đã được cán bộ tư vấn tâm lý, ổn định tinh thần để tránh tình trạng tự hủy hoại mình. Trước khi đưa đến phòng y tế, lực lượng bảo vệ sẽ kiểm tra người nghiện để tránh trường hợp mang ma túy vào cơ sở, sau đó chuyển qua phòng y tế để kiểm tra sức khỏe, tình trạng nghiện rồi tiến hành cắt cơn, giải độc.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sương, Trưởng Phòng Y tế Cơ sở xã hội Bình Triệu, quy trình cắt cơn, giải độc sẽ mất từ 5 đến 10 ngày, tùy theo từng người. Trong thời gian cắt cơn, giải độc, người nghiện được chăm sóc, cho uống thuốc, ăn uống và theo dõi tình trạng nghiện xuyên suốt như một người bệnh bình thường. Đối với những người nghiện có các bệnh khác kèm theo sẽ được chuyển qua khu khác để chữa trị. Sau khi dứt cơn, người nghiện sẽ được chuyển qua khu sinh hoạt trong thời gian chờ công an xác định nơi cư trú, phòng tư pháp coi thủ tục, phòng lao động - thương binh - xã hội (LĐ-TB-XH) hoàn chỉnh hồ sơ để trình tòa án xem xét ra quyết định.

15 ngày sẽ có quyết định của tòa án

Bà Đỗ Thị Cẩm Vân, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 8, cho biết khi người nghiện dương tính với ma túy sẽ lập hồ sơ để chủ tịch UBND phường ký quyết định “Bàn giao tạm thời đối tượng nghiện” cho các cơ sở cai nghiện trong vòng 24 giờ. Sau khi đưa người nghiện vào cơ sở, trong vòng 5 ngày, Phòng LĐ-TB-XH cùng với Phòng Tư pháp và Công an quận tiến hành xác minh nơi cư ngụ, nhân thân, độ tuổi người nghiện. Nếu hồ sơ đủ tính pháp lý, phòng LĐ-TB-XH làm công văn gửi TAND quận - huyện để đơn vị này xem xét. Trong vòng 15 ngày kể từ khi người nghiện được đưa tạm thời vào cơ sở cai nghiện, thẩm phán sẽ quyết định người nghiện cai nghiện tại đây hay trả về địa phương (phòng tòa án nằm trong cơ sở cai nghiện). “Đối với những người nghiện có hộ khẩu tại TP HCM, địa phương sẽ lập hồ sơ và vận động cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hoặc áp dụng hình thức quản lý tại địa phương trong 6 tháng. Nếu sau 6 tháng, cơ quan chức năng phát hiện đối tượng tái nghiện mới đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc” - bà Cẩm Vân nói.

Tính đến 16 giờ ngày 5-12, TP đã tập trung 1.203 người có biểu hiện nghi vấn nghiện ma túy. Qua xét nghiệm phát hiện 715 người dương tính với ma túy, trong đó có 643 người không nơi cư trú ổn định, đã lập 437 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở xã hội và đã đưa 253 người nghiện vào Cơ sở xã hội Bình Triệu và Cơ sở xã hội Nhị Xuân; có 72 người nghiện ma túy xác minh được nơi cư trú ổn định đã chuyển về địa phương để xử lý theo quy định. Một số quận, huyện trọng điểm về ma túy đã tập trung được số lượng lớn người nghiện như quận 8 (119 người), quận 12 (116 người), quận Bình Tân (56 người), huyện Bình Chánh (92 người). Riêng địa bàn quận 3 và huyện Cần Giờ chưa phát hiện được đối tượng nghiện ma túy.

Đặc biệt, tại “điểm nóng ma túy” quận 8, ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Quận ủy quận 8, cho biết phường 3, quận 8 không có người nghiện nào. Đây là điều bất hợp lý nên ông Hải đề nghị Công an quận 8 cử trinh sát thâm nhập để kiểm tra, hỗ trợ phường này. Số người nghiện ma túy tại quận 8 có hồ sơ quản lý còn nhiều, lên đến 1.417 người nên việc tập trung sẽ kéo dài đến 20 tháng chạp.

UBND TP HCM vừa ban hành quyết định thành lập Cơ sở xã hội Bình Triệu trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu và Cơ sở xã hội Nhị Xuân trực thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,346       1/871