Công nghệ thông tin

Học sinh miền Nam - một thời để nhớ! (*): Tất cả vì “núm ruột miền Nam”

Nhà dân có chõng tre thì nhường cho học sinh nằm còn chủ nhà nằm ổ rơm; học sinh có chăn bông, áo ấm, vớ còn dân phong phanh chăn đụp, áo tơi ra đồng...

Cựu học sinh miền Nam (HSMN) - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Minh Kính (TP Cần Thơ) kể sau 5 ngày dài vượt biển trên chiếc tàu Kilanhski của Ba Lan, đoàn của bà đến Sầm Sơn trong sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân địa phương rồi được đưa về Trường HSMN số 5 đóng tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm ấy, bà 13 tuổi.

Bếp ăn luôn ấm lửa

Bà Kính nhớ lúc đó dân ở đây nghèo lắm, phải ăn khoai, sắn hoặc củ chuối thay cơm nhưng với tinh thần tất cả vì “những núm ruột miền Nam, là hạt giống đỏ trong vườn ươm mà Đảng và Bác Hồ chuẩn bị cho miền Nam” nên bếp ăn tập thể của học sinh vẫn luôn ấm lửa. Học sinh được ăn 3 bữa/ngày với cơm nóng, canh sốt; hằng tháng còn được bồi dưỡng thêm một lần xôi hoặc chè. Trong nhà dân, có chõng tre thì nhường cho học sinh nằm còn chủ nhà nằm ổ rơm; học sinh có chăn bông, áo ấm, vớ còn dân phong phanh chăn đụp, áo tơi ra đồng.

Học sinh miền Nam - một thời để nhớ! (*): Tất cả vì “núm ruột miền Nam”
Một lớp học mái tranh do học sinh miền Nam tự làm và thẻ học sinh thời ấy
Một lớp học mái tranh do học sinh miền Nam tự làm và thẻ học sinh thời ấy

Ông Lê Tấn Cương (quê xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước), vẫn nhớ sau những ngày được ăn uống bồi dưỡng ở Sầm Sơn, xem văn công biểu diễn, tiếp xúc với người dân miền Bắc, ông và các bạn được đưa về  huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và biên chế thành Trường HSMN số 1, được 2-4 tháng thì chuyển về huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dân ở Thanh Trì bấy giờ cũng phải ăn rau củ, thậm chí cả rau má, rau lang, cây và củ chuối nhưng vẫn vui vẻ nhường cơm cho HSMN. Hằng đêm, ở nhiều ngôi đình còn có ca múa bình dân rất vui nhộn để HSMN khỏi buồn vì nhớ nhà.

Cựu HSMN Trương Văn Tâm (quê tỉnh Đồng Nai, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản nhà nước khu vực phía Nam) nhớ lúc ấy ông và các bạn được đón từ Sầm Sơn bằng xe của quân đội về một xã cách đó 10 km. Lãnh đạo địa phương và nhà trường tiếp đón ở một sân đình với nhiều cờ, hoa và khẩu hiệu. Thầy hiệu trưởng nói: “Nhà nước chưa kịp làm trường nên chúng ta phải ăn ở và học tập tạm thời ở đây. Vì chưa có lớp nên tổ chức biên chế theo tổ và trung đội”.

Thế là 3-4 học sinh ghép lại thành một tổ về ở trong một nhà dân đã chuẩn bị sẵn. Cứ chỗ nào tốt nhất trong nhà là chủ nhà ưu tiên cho học sinh. Hằng ngày, trong khi dân đến bữa không biết lấy gì ăn thì cứ 11 giờ là các tổ học sinh chỉ việc cử người đến một bếp tập thể để nhận cơm. Cơm đựng trong rá bằng tre và được cân đủ cho mỗi học sinh 3 lạng.

Thầy cô rất tuyệt vời

“Chúng tôi được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Nhờ vậy mà dù còn nhỏ như thế nhưng đã biết tận dụng hết thời gian của một ngày. Thầy cô là những người rất tuyệt vời, tràn đầy tình thương làm cho chúng tôi gắn bó với nhau như con của một mẹ. Thầy cô đối xử với HSMN bằng tấm lòng của người cha, người mẹ, người anh, người chị. Những chuyện tỉ mỉ, tế nhị như con gái phải sử dụng giấy vệ sinh như thế nào cũng được chỉ dạy” - bà Nguyễn Thị Minh Kính hồi tưởng.

Lịch học được bà Kính nhớ là mỗi ngày 3 buổi: sáng học chính khóa, chiều tùy từng đối tượng mà tham gia các lớp phụ đạo hoặc bồi dưỡng, ngoại khóa hoặc thể dục thể thao; tối tự học và tự quản nhưng tập trung lên lớp theo tổ  hoặc nhóm; cán bộ bộ môn thay giáo viên kiểm tra tập vở hoặc giải bài khó cho cả lớp. Không chỉ học mà còn biết lao động như trực ban, trực đêm, quét dọn trường lớp, tăng gia sản xuất. Xung quanh trường, chỗ đất nào trống là xúm nhau trồng rau cải, su hào; ngày mùa thì giúp dân làm cỏ lúa, đắp đê ngăn lũ.

Lớp học mà cựu HSMN Nguyễn Mạnh Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông nghiệp TP HCM) tham gia được bố trí trong một đình làng bỏ trống, chỉ có 2 vách, mưa to gió lớn là phải nghỉ học. Bàn là những tấm cửa đình kê lên, ghế ngồi là những tấm ván kê gạch. Mái đình thấp nên rất tối nhưng thầy giáo vẫn lên lớp đều và rất tận tâm giảng bài.

Ông Tâm nhớ lại: “Chúng tôi lao động rất giỏi. Hằng ngày, khi không học là vào rừng kiếm củi, chặt cây dựng nhà; một số làm thợ mộc, thợ rèn, đào ao thả cá. Có một dạo còn trồng cây thầu dầu để bán. Không bao lâu, giữa núi đồi hoang vắng mọc lên những dãy nhà ở và trường học khang trang”.

HSMN Lê Can cùng các bạn trong tổ rèn đã miệt mài nghiên cứu để đúc thành công lưỡi cày 51 - công cụ thông dụng nhất của nông dân lúc bấy giờ. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Minh mừng không tả xiết, mang lưỡi cày đầu tiên ra cày thửa ruộng trồng đậu phộng của nhà trường giữa tiếng vỗ tay reo mừng không ngớt của giáo viên và học sinh.

Nhưng chuyện đi lao động không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cựu HSMN Nguyễn Có (TP HCM) kể năm học 1958-1959, học sinh vào rừng kiếm củi bị thổ phỉ chặn đường ném đá, dọa đánh khiến vài người lo sợ. Do đó, 2 trường HSMN 12 và 16  được  trang bị 12 khẩu súng để tự bảo vệ. Thấy vậy, thổ phỉ im bặt luôn!

Kỳ tới: Tự quản tốt nên học giỏi

Kinh nghiệm quý báu

Lớp phó lớp 8B của Trường HSMN 16 là Huỳnh Văn Bình (niên học 1958-1959) chỉ huy học sinh lên rừng chặt cây về ủ phân xanh; đi gom phân trâu, bò thải trên đồi mang về ủ với phân người để phục vụ việc sản xuất. Do thiếu kinh nghiệm và có phần học tập giáo điều theo sự phổ biến tuyên truyền kinh nghiệm trồng lúa, khoai lang ụ của thời kỳ “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc nên lúa tốt xanh um nhưng trổ bông toàn hạt lép, thân lúa cao nghều và đổ rạp; đất nhiều song khoai lang không trồng theo luống mà theo ụ nhiều tầng, nấc và có vòng tre bao quanh nên chỉ có dây mà không ra củ. Việc dùng phân người áp dụng làm khí mêtan cũng đều thất bại. Tuy nhiên, đó là kinh nghiệm quý báu cho mọi người, nhất là cựu học sinh Huỳnh Văn Bình, sau này là Giám đốc Sở Nông nghiệp rồi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai hay học sinh Lê Tiên sau này là Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam...

Cựu HSMN Tô Dùng

(nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Thành ủy TP HCM)

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,307       1/871