Công nghệ thông tin

Sống cạnh... chúa sơn lâm

Một gia đình ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang nuôi nhốt đàn hổ dữ tới 11 con đã trưởng thành, chỉ cách khu dân cư vài trăm mét

Chủ trang trại hổ lớn nhất miền Bắc này là ông Nguyễn Mậu Chiến (SN 1970, người địa phương, hiện làm việc ở Hà Nội). Đàn hổ được ông Chiến đưa về nuôi nhốt trái phép từ năm 2006. Đến cuối năm 2012, ông Chiến được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt hổ.

Phát hoảng với tiếng gầm

Để có thể tiếp cận trại hổ này, chúng tôi phải nhờ cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân dẫn đường. Trại hổ được xây dựng trên một cồn đất giữa cánh đồng và chỉ cách xóm 17, xã Xuân Tín khoảng 300 m. Trại rộng khoảng 1 ha, xung quanh được bao bọc bằng những bức tường, trên có thanh sắt, cao khoảng 5 m.

3 trong số 11 con hổ nuôi nhốt tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân
3 trong số 11 con hổ nuôi nhốt tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân

Mở 2 lần cửa khóa, dẫn chúng tôi vào phía trong, ông Nguyễn Văn Tư (anh rể và là người trông coi trang trại hổ cho ông Chiến) cảnh báo: “Chụp ảnh, quay phim thì đứng xa một chút vì một số con rất dữ”. Đúng như lời ông Tư, khi chúng tôi vừa vào phía trong trang trại, đánh hơi thấy có mùi lạ, những con hổ đang nằm trong khuôn viên bỗng đứng phắt dậy, gầm gừ. Vài con trừng mắt, nhe nanh chồm lên tấm lưới sắt.

Ông Tư cho biết vào năm 2006, ông Chiến lên xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì gặp một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về nên mua lại. “Lúc ấy, chú Chiến mua về 15 hay 16 con gì đó. Cuối năm 2008, có 2 con bị bệnh chết, năm 2010 và 2012 thêm 3 con nữa chết nên hiện trang trại còn 11 con, nặng nhất hơn 2 tạ, nhỏ nhất khoảng 1,5 tạ” - ông Tư nói. Các con hổ chết đều được lực lượng chức năng niêm phong, tiêu hủy.

Theo ông Tư, thức ăn của đàn hổ chủ yếu là đầu gà công nghiệp được ông Chiến thu gom ở một số lò mổ trên địa bàn Hà Nội rồi vận chuyển về Thanh Hóa. Một tháng, đàn hổ này xơi hết hơn 1,5 tấn thức ăn.

Kể từ ngày có đàn hổ xuất hiện ở địa phương, người dân Xuân Tín ăn ngủ không yên. “Nhiều hôm trở trời hoặc đói, đàn hổ gầm lên dữ tợn giữa đêm khuya khiến chúng tôi giật nẩy cả người. Ngày trước, đàn hổ được nuôi ở giữa làng (xóm 27, xã Xuân Tín), không chỉ làm người dân lo lắng mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giờ đàn hổ chuyển ra xa khu dân cư một chút nhưng chúng tôi vẫn thấy không yên tâm” - một người dân địa phương lo ngại.

Hiểm họa khôn lường

Dù đã được chuyển ra giữa đồng nhưng xung quanh trang trại hổ vẫn có rất nhiều khu dân cư đông đúc. Điều này khiến chính quyền địa phương cũng như Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân bất an. “Khu vực nuôi nhốt hiện nay chỉ cách đê Cầu Chày khoảng 300 m. Nếu đê vỡ, nước tràn vào thì nguy cơ hổ thoát ra ngoài là rất lớn” - ông Trịnh Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, băn khoăn.

Ông Hà Duy Thủy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân, cho biết đàn hổ của gia đình ông Chiến đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt từ năm 2012, thời hạn 5 năm (từ 2012-2017). Kèm theo đó là yêu cầu gia đình không được giết hại, buôn bán, vận chuyển; bảo đảm an toàn cho người nuôi và người dân địa phương.

“Mỗi tháng, chúng tôi đều cử người đến kiểm tra số lượng hổ, công tác bảo đảm môi trường, an toàn chuồng trại. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc tráo đổi hổ vào trang trại rất khó kiểm soát, theo dõi do hạt ở cách xã khoảng 15 km” - ông Thủy nói. Cũng lo lắng về nguy cơ vỡ đê dẫn đến việc hổ thoát ra ngoài, ông Thủy cho biết: “Chúng tôi đã tính phương án dùng súng gây mê để xử lý khi gặp sự cố”.

Khi được hỏi ông Chiến nuôi hổ vì mục đích gì thì ông Tư bảo không biết. “Tôi chỉ có trách nhiệm trông coi đàn hổ, 1 năm lấy 40 triệu đồng tiền công, mọi hoạt động khác đều do chú Chiến gọi điện chỉ đạo” - ông Tư cho hay. Về việc này, ông Hà Duy Thủy cũng không nắm rõ. “Chúng tôi không biết anh Chiến nuôi hổ để làm gì. Còn việc tráo đổi hổ đưa đi nơi khác tiêu thụ, chúng tôi cũng có nghi ngờ nhưng chưa bắt được quả tang” - ông Thủy nói.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân, nhiều cán bộ của hội bảo vệ động vật hoang dã, trung tâm cứu hộ động vật, vườn thú đã về thăm đàn hổ của gia đình ông Chiến và có ý định đưa chúng đi. Tuy nhiên, do giá cả đền bù chưa thống nhất nên gia chủ không chấp nhậnchuyển nhượng. 

2 lần bị xử phạt vẫn được cấp phép

Năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Mậu Chiến 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 con hổ trái phép. Đến năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tư 30 triệu đồng vì nuôi 5 con hổ trái phép. Tuy nhiên, không hiểu sao đến năm 2012, đàn hổ này lại được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nuôi nhốt.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,562       1/876