Có hiện tượng công chức làm việc “chân trong, chân ngoài” là do cơ chế tiền lương phân tán, không đủ sống
Đó là thông tin được ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, đưa ra ở hội thảo “Đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam”. Hội thảo này do Bộ Nội vụ và UNDP phối hợp tổ chức ngày 3-12 tại Hà Nội.
Hầu hết “hoàn thành nhiệm vụ”
Đại diện Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ công bố kết quả báo cáo của các bộ, ngành, địa phương năm 2013 cho thấy tổng số công chức được đánh giá, phân loại là 536.550 người. Trong số này, công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tới 92,6%; công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, khoảng 5,7%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Khoa học tổ chức nhà nước, thực tế phổ biến hiện nay là tình trạng đa số công chức sau khi được bình xét, đánh giá đều hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ nhưng nhiệm vụ chung của cả cơ quan, đơn vị lại không có chuyển biến tích cực hoặc chưa hoàn thành.
Ông Jairo cho rằng tình trạng tuyển dụng người thân quen vào khu vực công đang cản trở hiệu quả hoạt động và đánh giá hiệu quả công vụ. “Người dân cho rằng để xin được việc làm là công chức, viên chức thì việc thân quen với người có chức, có quyền quan trọng hơn năng lực thực sự của ứng viên. Chỉ khoảng 25% người được hỏi cho rằng thân quen là không quan trọng” - ông dẫn chứng.
Theo ông Jairo, công chức, viên chức cần phải chịu trách nhiệm giải trình về hành vi, thái độ ứng xử với người dân. “Để làm được điều đó, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi công vụ, ghi nhận những việc làm tốt của công chức, viên chức và xem đây là tiêu chí đề bạt những vị trí cao hơn. Có như vậy, đội ngũ công chức, viên chức mới đáp ứng được đầy đủ mong mỏi của người dân” - ông phân tích.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết bộ đang giúp Chính phủ xây dựng nghị định mới về đánh giá cán bộ, công chức để làm sao trong thời gian tới, việc đánh giá đi vào thực chất, phát hiện ra những cán bộ lười biếng, không làm được việc, năng lực chuyên môn yếu để đưa vào diện tinh giản, cho nghỉ việc.
Lương chỉ chiếm phần nhỏ thu nhập
Theo ông Jairo Acuna - Alfaro, kết quả khảo sát lực lượng lao động năm 2009 cho thấy xuất hiện tình trạng chảy máu chất xám, làm việc kiểu “chân trong, chân ngoài” trong khu vực nhà nước.
Khoảng 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên. Hiện tượng “chân trong, chân ngoài” phổ biến hơn với lao động trong khu vực dịch vụ hành chính công (37%), giáo dục (32,4%), y tế (10,1%).
Động cơ thúc đẩy việc “chân trong, chân ngoài” được xem là do cơ chế tiền lương phân tán, không đủ sống. Trong đó, tiền lương chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu thu nhập của cán bộ, công chức.