Công nghệ thông tin

Đừng quản không được thì cấm!

Loại hình taxi Uber đang khiến các cơ quan quản lý lúng túng nhưng tiện ích trước mắt và lâu dài của dịch vụ này được hầu hết người sử dụng ủng hộ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa lên tiếng khẳng định loại hình taxi Uber đang hoạt động tại TP HCM và Hà Nội trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo Bộ GTVT, tính hợp pháp của hoạt động Uber tại Việt Nam chưa có. “Nếu có thì phải có quy định, mà chưa có quy định nghĩa là vi phạm” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều 1-12.

Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về GTVT nói chung và thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói riêng.

Lựa chọn thuộc về khách hàng

Về quyền tự do kinh doanh của công dân và của doanh nghiệp, tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cùng Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XVIII đã khẳng định: Những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Cái nào cấm, cái nào hạn chế thì ghi vào trong luật.

Chưa có quy định về dịch vụ Uber tức là pháp luật chưa theo kịp thực tiễn chứ không hẳn do chưa có quy định pháp lý điều chỉnh Uber mà khẳng định dịch vụ này “vi phạm”. Từ chỗ tư duy như vậy dẫn đến thói quen hễ quản không được thì cấm là đi ngược với xu thế phát triển.

Một tài xế chạy dịch vụ Uber ở TP HCM bị xử phạt hôm 28-11 Ảnh: THU HỒNG
Một tài xế chạy dịch vụ Uber ở TP HCM bị xử phạt hôm 28-11 Ảnh: THU HỒNG

Bộ GTVT còn cho rằng cần phải tuyên truyền để người dân biết loại hình Uber không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe (khách hàng không được bảo hiểm); người lái xe không được quản lý theo quy định nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông, an toàn tài sản của người đi xe.

Phải nói ngay rằng đối tượng chọn dịch vụ Uber là nhóm thiểu số khá thông thạo các phần mềm tin học ứng dụng và có dùng thẻ tín dụng quốc tế (đa số thu nhập khá), tức là có thừa trình độ để tìm hiểu dịch vụ mà mình thuê tốt hay xấu, an toàn hay không an toàn trước khi chi tiền.

Nếu Uber là dịch vụ kém, thiếu an toàn thì họ có quyền không lựa chọn nữa (và ngược lại), đó là quy luật thị trường sòng phẳng. Vì thế, việc kêu gọi hay tuyên truyền người dân “cảnh giác” với Uber vẻ như không được thuyết phục.

Hành vi tiêu dùng của người dân chủ yếu được quyết định bằng chất lượng và giá cả của sản phẩm/dịch vụ, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính!

Băn khoăn và ủng hộ

Công bằng mà nói việc Hiệp hội Taxi TP HCM lên tiếng phản ứng dịch vụ Uber đang cạnh tranh không lành mạnh là đúng logic, bởi “phía Uber” không phải đóng một đồng tiền thuế nào. Với công ty mẹ (Uber ở Mỹ), cơ quan thuế Việt Nam hầu như không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ phi Uber ký hợp đồng thuê đối tác vận tải có tư cách pháp nhân ở Việt Nam làm dịch vụ cho mình); thuế GTGT cũng không; tài xế chạy cho Uber không bị kiểm soát nguồn thu, tức chẳng phải đóng thuế thu nhập cá nhân…, cho nên giá dịch vụ Uber rẻ hơn taxi truyền thống trong khi phương tiện vận chuyển lại cao cấp hơn (chủ yếu bằng xe Mercedes, BMW, Lexus…).

Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật gia Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng Ban Pháp chế Cục Thuế TP HCM - khẳng định với nền tảng thuế vụ như Việt Nam hiện nay, không thể nào thu được thuế của Uber nên cho phép Uber tồn tại đồng nghĩa là dung túng hành vi trốn lậu thuế; các quốc gia khác cấm Uber cũng vì lý do này.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM - cho rằng loại hình Uber chưa phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay, nếu không có biện pháp chế tài thì sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Một bên đóng thuế đầy đủ và có mua bảo hiểm cho khách hàng, một bên không thực hiện 2 nghĩa vụ quan trọng này thì rõ ràng giá phải “chênh” nhau nhiều, cạnh tranh như vậy là không lành mạnh.

Ở một góc độ khác, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, phân tích: Uber bị cấm ở nhiều nước nhưng cũng rất nhiều quốc gia khác cho phép hoạt động. Như vậy có nghĩa là hoặc hệ thống pháp lý của quốc gia đó “quản” được Uber hoặc quốc gia đó chấp nhận du nhập cái mới trước rồi tìm cách quản lý sau, ví dụ như Singapore.

Việt Nam đã từng nếm trải bài học cay đắng về bảo hộ công nghiệp ô tô, để rồi bị tụt hậu rất xa so với thế giới. Đối với những loại hình dịch vụ mới, nhiều tiện ích và được đón nhận như Uber thì cần tạo điều kiện để đưa vào khuôn khổ quản lý chứ nếu cứ “khai tử” ngay từ đầu thì biết bao giờ chúng ta mới theo kịp thiên hạ.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói: “Uber đem lại lợi ích cho số đông, được người tiêu dùng hài lòng và lựa chọn, nghĩa là tạo nên môi trường cạnh tranh buộc các hãng taxi truyền thống phải cải thiện chất lượng phục vụ, tìm cách giảm giá. Như vậy, phải ủng hộ cái mới có lợi, nên loại bỏ hẳn tư duy quản không được thì cấm như trước nay. Còn các hãng taxi truyền thống cũng phải tìm cách nâng mình lên thay vì chăm chăm chỉ trích Uber”.

Cũng theo TS Doanh, khi luật pháp chưa theo kịp thì hãy tạo cho những cái mới - như Uber - một lộ trình để hòa nhập.  “Không thể nói là vì mới quá, do thiếu quy định để kiểm soát nên phải cấm. Lúc con robot ra đời thì đã có quy định cụ thể nào về robot đâu, nếu nghĩ như vậy mà dẹp ngay robot thì khoa học - công nghệ của đất nước này còn gì? Thực tế, sẽ còn nhiều cái mới như vậy du nhập Việt Nam chứ không riêng Uber. Bộ GTVT nên tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp đưa Uber vào vòng quản lý, ví dụ lập HTX (hoặc doanh nghiệp) cho các tài xế Uber, có đăng ký hành nghề, bảo hiểm, đóng thuế…” - ông Doanh đề xuất. 

Thế giới dùng rồi, sao ta lại không?

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt vấn đề như vậy về taxi Uber tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT ngày 2-12. Bộ trưởng Thăng cho rằng loại hình kinh doanh taxi Uber có giá thấp hơn so với taxi thông thường nên được người dân lựa chọn sử dụng. “Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm? Loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hóa. Phải làm sao để thuận lợi cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân” - ông Thăng chỉ đạo.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa trả lời phần mềm Uber hoạt động có hợp pháp ở Việt Nam hay không.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - nêu quan điểm: “Việc nhà quản lý đi tìm rồi xử phạt mấy chiếc taxi Uber không phải giải pháp căn cơ. Trước thực tế rất nhiều nước trên thế giới đã có loại hình vận tải này rồi và người dân cũng thấy giá hợp lý thì việc của cơ quan quản lý nhà nước là nhanh chóng vào cuộc để xem quản lý thế nào cho phù hợp. Bộ GTVT cần chủ trì họp với các cơ quan quản lý, các hiệp hội vận tải, chuyên gia giao thông để sớm có những đánh giá về cách quản lý phù hợp. Không thể “nói khơi khơi” rằng loại hình này chưa phù hợp quy định mãi được”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết nhiều người bạn của ông đã sử dụng dịch vụ taxi Uber và đều bày tỏ thái độ hài lòng với cung cách phục vụ, giá cả và chất lượng xe. “Giá cước taxi hiện nay cao quá. Vừa rồi giá xăng liên tục giảm nhưng các hãng taxi liên kết với nhau không chịu giảm và người dân cũng không làm gì được. Trong điều kiện như vậy, taxi Uber đã và sẽ đáp ứng được rất nhiều yêu cầu của người dân về một dịch vụ vận tải chuyên nghiệp, giá rẻ, chu đáo. Vậy thì tại sao lại tìm cách cấm đoán, xử phạt nó? Nói như lãnh đạo Bộ GTVT là hiện nay chưa có quy định quản lý taxi Uber vì thế này, thế kia thì bây giờ chúng ta xây dựng quy định đi, vừa thu được thuế của Uber vừa bảo vệ được quyền lợi của khách hàng, đó mới là mục đích cuối cùng” - ông Hậu nói.

Thế Kha

Uber là gì?

Uber là một ứng dụng taxi được cài đặt trên điện thoại thông minh (ảnh), xuất hiện ở Mỹ vào năm 2009. Người có nhu cầu đi xe dùng ứng dụng này để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó. Tiếp theo, Uber báo cho khách biết trước cước phí cả đoạn đường đi, đặc điểm, thông tin chiếc xe và tài xế sắp đón khách. Xong hành trình, người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Visa hay MasterCard (đã đăng ký với Uber trước đó).

Đừng quản không được thì cấm!

Doanh thu của Uber là khoản tiền hoa hồng thông qua việc kết nối giữa chủ xe và người cần di chuyển. Thông thường, chủ xe hưởng 80%, Uber hưởng 20%. Hiện ứng dụng này được định giá khoảng 17 tỉ USD và đã có mặt tại hơn 130 nước.

Người lao động

người tiêu dùng, Đinh La Thăng, thẻ tín dụng, công nghiệp ô tô, điện thoại thông minh, thuế thu nhập, chuyên gia kinh tế, thẻ tín dụng quốc tế, Lê Đăn


© 2021 FAP
  3,175,123       3/1,188