Công nghệ thông tin

Giỏi hơn nhờ thi tay nghề

Các hội thi tay nghề không chỉ giúp người lao động tự tin, năng động mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt

“Tôi thấy tờ rơi ghi bánh bông lan giá 69.000 đồng/hộp mà giờ cô tính tiền đến 75.000 đồng là sao? Siêu thị lớn mà làm ăn kiểu treo đầu dê bán thịt chó thế này à? Tôi trả hết hàng lại, không mua sắm gì nữa” - một khách hàng bực dọc khi bị nhân viên tính tiền nhầm tại siêu thị Sài Gòn. Tình huống này được nêu lên trong phần thi xử lý tình huống tại hội thi bán hàng chuyên nghiệp do Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tổ chức mới đây.

Nhiều kiến thức bổ ích

Cô nhân viên lễ phép xin lỗi khách và kiểm tra lại bảng giá. Thì ra, không phải nhân viên tính sai mà do khách lấy hàng nhầm. Siêu thị chỉ khuyến mãi giảm giá cho bánh bông lan nhân phô mai nhưng khách lại lấy bánh bông lan nhân xoài.

Thế nhưng, vị khách vẫn chưa vừa lòng: “Siêu thị ghi lập lờ thế này chẳng khác nào đánh lừa khách. Tôi muốn trả hàng, không nói tới nói lui gì hết”. Cô nhân viên đành mời người quản lý ra giải quyết. Chị quản lý lịch sự xin lỗi vì sự phiền hà mà siêu thị vô tình mang đến, hứa rút kinh nghiệm, đổi lại bánh có khuyến mãi và mời khách làm thẻ khách hàng thân thiết. Trước thái độ cầu thị đó, vị khách khó tính “hạ hỏa” và đồng ý với cách giải quyết này.

Các thí sinh tham gia hội thi bán hàng chuyên nghiệp do Công đoàn Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tổ chức
Các thí sinh tham gia hội thi bán hàng chuyên nghiệp do Công đoàn Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tổ chức

Đây là tình huống có thật xảy ra tại siêu thị Sài Gòn được các thí sinh kể lại bằng tiểu phẩm. Chị Trần Thị Thu Mai, kiểm soát nội bộ siêu thị Sài Gòn, người đóng vai khách hàng khó tính, cho biết: “Hội thi mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho thí sinh. Chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm khi phục vụ khách, đúng với phương châm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Tập trung vào ngành nghề sản xuất thực phẩm và chợ, siêu thị, mỗi năm, CĐ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đều tổ chức hội thi như cuốn chả giò, làm há cảo hoặc bán hàng giỏi. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, nhìn nhận: “Chính vì đi đúng vào ngành nghề thực tế đang kinh doanh nên các hội thi tay nghề được Đảng ủy, ban giám đốc và người lao động đánh giá cao. Những thí sinh sau khi tham gia hội thi tay nghề đều trở thành thợ giỏi của doanh nghiệp”.

Cơ hội thăng tiến

“Anh Trần Võ Công Nhựt, thí sinh từng đoạt loại giỏi hội thi nâng bậc ngành in do CĐ tổng công ty tổ chức hằng năm, vừa được ban giám đốc đề bạt làm phó quản đốc của Công ty CP In số 7”. Thông báo của ông Phạm Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, tại hội nghị sơ kết phong trào Bàn tay vàng do CĐ tổng công ty tổ chức mới đây, khiến mọi người rất phấn khởi.

Hằng năm, CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn đều phối hợp cùng Trường CĐ Công nghiệp In Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng tay nghề, thi nâng bậc cho CN ngành in. Khoảng 300 CN đã theo học 23 ngành nghề mỗi năm. Học viên được thi thực hành tại nơi làm việc theo đúng ngành nghề đăng ký. Cuối khóa, học viên đạt kết quả sẽ được cấp giấy chứng chỉ nghề do Trường CĐ Công nghiệp in công nhận.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, cho biết công nghệ in thay đổi liên tục nên CN cần phải cập nhật kiến thức. Căn cứ kết quả xếp loại, CN sẽ được nâng bậc, nâng lương đúng bậc thợ, khả năng.

Cũng trưởng thành từ hội thi này là anh thợ cả Trần Văn Lượng, CN Công ty CP In Vườn Lài. Trong hội thi nâng bậc thợ năm 2013, anh không chỉ đạt bậc 7/7 mà còn giành luôn giải Bàn tay vàng. Sau khi xuất ngũ, năm 1988, Lượng vào công ty làm việc. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, từ một người tay ngang, anh đã trở thành thợ cả của công ty, được đồng nghiệp quý trọng, ban giám đốc đánh giá cao. Anh còn tham gia kèm cặp, đào tạo rất nhiều thợ trẻ cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Các hội thi tay nghề hết sức cần thiết

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, CN là lực lượng nòng cốt, đi đầu nên đòi hỏi phải có tay nghề cao, trình độ hiểu biết phù hợp với ngành nghề. Vì vậy, các hội thi tay nghề hết sức cần thiết. Nó giúp người lao động ôn lý thuyết, rèn thực hành để có thể tham gia sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp phát triển.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,318,870       1/1,292