Ngày 16-10 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Viện Rosa Luxemburg Đông Nam Á đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong thực thi chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu và thực tiễn ở Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê, năm 1943, Việt Nam có 408.500 ha rừng ngập mặn. Đến năm 2000, diện tích rừng thu hẹp còn 189.200 ha và đến năm 2013 chỉ còn 168.688 ha. Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nguyên nhân dẫn đến suy thoái rừng ngập mặn có nhiều yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu và cả sự tác động của con người, như: nước biển dâng, bão mạnh, xây thủy điện trên sông Mê Kông, chặt phá rừng để nuôi tôm, xây khu nghỉ mát…
Để hạn chế mất rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hoàn thiện các chính sách về trồng rừng, bảo vệ rừng đã ban hành; tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng; tích cực đưa các giải pháp kỹ thuật trồng rừng ngập mặn như làm tường mềm, rào chắn sóng, cải tạo bãi cát, tạo nguồn nước ngầm…