“Ngay từ tháng đầu tiên của chương trình lớp 1, mỗi ngày con gái tôi phải học hai âm, hai vần...” - anh N.V.H., một phụ huynh ở quận 12, TP HCM, cho biết.
Cô Nguyễn Võ Bảo Ngọc hướng dẫn học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Vạn Tường, quận Phú Nhuận, TP HCM tập viết - Ảnh: H.HG.
“Trong đó, bé phải học những âm ghép cực kỳ khó như: th, ch, kh...” - anh N.V.H., nói tiếp.
Vừa mở cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1 ra cho chúng tôi xem, anh H. vừa phân trần:
“Đây, học sinh mới bước vào lớp học đầu tiên của nền tảng phổ thông mà Bộ GD-ĐT “nhồi” các cháu như thế này: mỗi ngày học một bài, năm ngày đầu tiên mặc dù đã bắt học sinh ghép vần nhưng còn chấp nhận được (ghép âm b với âm e cùng các dấu thanh).
Sang tuần thứ 2 đến nay, cứ mỗi ngày cháu phải học hai âm, hai vần, trong đó có những bài rất khó như: bài 17: học “u” và “ư”, vần “nụ”, “thư”; bài 18: “x”, “ch”, vần “xe”, “chó”. Bé nhà tôi cứ nhầm “th” thành “ch”, “kh” thành “ch”,...”.
Giáo viên rất vất vả, nếu dạy nhanh quá thì học sinh chưa học chữ theo không kịp, dạy chậm quá thì những em đã biết chữ lại chán |
Cô Nguyễn Võ Bảo Ngọc (giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Vạn Tường, quận Phú Nhuận, TP HCM) |
Không thể làm khác!
Không chỉ phụ huynh, ngay cả các hiệu trưởng, giáo viên tiểu học mà chúng tôi được gặp đều khẳng định: “Chương trình quá nặng đối với học sinh lớp 1”.
Thậm chí, một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 9 còn thú thật: “Học sinh lớp 1 mới chuyển từ bậc mẫu giáo lên, bậc mẫu giáo chỉ vui chơi là chính, thích thì học, không thích thì thôi. Nay vào lớp 1, bắt buộc mỗi ngày các em phải học, phải nhớ một lượng kiến thức bắt buộc.
Nhiều em còn chưa nắm được các âm thì đã phải học sang vần. Mỗi ngày hai âm, hai vần là quá tải đối với học sinh 6 tuổi.
Đã vậy, học bài nào các em phải nhớ ngay bài ấy chứ không có thời gian quay lại, ôn lại ở bài sau. Sau 4-5 bài mới có bài ôn tập cũng là quá tải. Cháu tôi ở nhà cũng quên trước quên sau...”.
Thừa nhận vấn đề trên, một giáo viên ở quận 3 phân tích: “Nhiều lúc tôi thấy rất tội nghiệp học trò nhưng không thể làm khác. Ở TP HCM, Sở GD-ĐT TP có văn bản cho phép giáo viên tự điều chỉnh chương trình dạy theo đối tượng học sinh của mình".
"Tuy nhiên, nếu đầu năm mình “đi” chậm thì giữa năm, cuối năm phải tăng tốc để đến đúng ngày đó, tuần đó cho học sinh thi học kỳ. Nếu dạy không kịp chương trình thì làm sao học sinh đi thi? Thế nên cả cô và trò cùng phải “bơi” theo chương trình”.
Trò khổ, cô khổ
Chúng tôi ghé thăm lớp 1/1 Trường tiểu học Vạn Tường, quận Phú Nhuận, TP HCM vào sáng 1-10, đúng giờ tập viết của cả lớp. Cô giáo đọc cho học sinh viết chữ “đua” vào bảng con.
Sau đó, cô đi thẳng xuống lớp, đứng kế bên một học sinh và động viên: “Viết đi con!”, “Cầm phấn như thế này nè” rồi cô cầm tay bé nắn nót viết từng nét chữ.
Tôi lại gần và nhìn vào bảng con của em, thấy em viết chữ “đua” khá tròn trịa và đúng ô li (trong khi nhiều học sinh khác bị cô giáo yêu cầu sửa lại).
Riêng cô giáo thì như con thoi đi từ trên bục giảng xuống lớp, từ dưới lớp đi lên, ngoài việc cầm tay một số học sinh yếu trực tiếp viết bảng, cô nhắc luôn miệng:
“Nghi ơi, con viết chữ a sai độ cao rồi, hai ô li cơ mà”, “Sửa lại điểm dừng bút đi Duy”, “Sao chữ u của con mập quá, mà chữ a gầy quá vậy...”, “Viết xong thì chờ các bạn rồi giơ bảng lên cho cô xem chứ sao còn vẽ thêm ông sao vô chi nữa vậy Dương?”, “Sao Hùng không viết đi con? Không có phấn sao nãy giờ không nói với cô?”.
Trong lớp học, mặc dù mấy cây quạt hoạt động hết tốc lực nhưng cô giáo vẫn ướt đẫm mồ hôi...
Bà Lê Thị Ngọc Hạnh (hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Thạnh, quận 9, TP HCM): Giáo viên nhiều áp lực Nói một cách khách quan, giáo viên lớp 1 phải chịu rất nhiều áp lực, công việc của họ cực kỳ vất vả khi phải giảng dạy trong một lớp học có hai đối tượng khác nhau: một bên đã biết chữ rồi, một bên chưa biết gì cả. Khi cô giáo nhận xét “cháu nhà anh chị kém hơn các bạn” thì phụ huynh đừng vội nghĩ đến những điều tiêu cực mà hãy bình tĩnh ngồi lại trò chuyện với giáo viên, cùng giáo viên tìm ra cách giáo dục trẻ hiệu quả nhất. Trên thực tế có những trường hợp cô giáo đã “đi” chương trình rất chậm nhưng có học sinh vẫn không theo kịp chương trình. |
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Võ Bảo Ngọc, giáo viên lớp 1/1 Trường tiểu học Vạn Tường, cho biết:
“Lớp 1/1 có 37 học sinh, trong đó có em được học chữ từ hồi 5 tuổi, có em chưa biết gì, kể cả 24 chữ cái cũng không biết nhận mặt chữ.
Vì vậy, giáo viên rất vất vả, nếu dạy nhanh quá thì học sinh chưa học chữ theo không kịp, dạy chậm quá thì những em đã biết chữ lại chán. Tôi chọn cách dung hòa cho cả hai đối tượng học sinh đồng thời kèm thêm những em còn yếu”.
Đó là lý thuyết, còn trên thực tế giáo viên cực khổ gấp nhiều lần.
“Những em đã học chữ rồi thường ỷ lại, không thèm nghe cô giảng bài, ngồi chọc phá bạn. Những em chưa học chữ khi thấy bạn mình cái gì cũng biết, viết chữ thì nhanh hơn, đẹp hơn nên mất tự tin, nản chí” - cô Ngọc tâm sự.
Và trong sáng 1-10, chúng tôi đã chứng kiến cảnh này: cô giáo toát mồ hôi kèm cho những học sinh yếu viết từng nét chữ thì nhiều học sinh khác sau khi viết xong bài của mình lại cười nói huyên thuyên, có em vẽ linh tinh thêm vào bảng của mình...
Thiếu kỹ năng học tập
“Phụ huynh bây giờ quá nuông chiều con, không rèn cho con những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị bước vào lớp 1. Có những học sinh cô bảo viết không viết, cô bảo đọc không đọc, cô bảo viết bảng thì lấy bút màu ra tô. Khi tôi trao đổi với phụ huynh để nhờ hợp tác thì phụ huynh nói: cô đừng bắt cháu học nhiều quá, tội nghiệp cháu” - cô T., một giáo viên ở quận 7, kể.
Tương tự, giáo viên một trường tiểu học tại quận 5 than phiền:
“Về lý thuyết, học sinh đã học lớp lá ở trường mầm non thì nhận biết được 24 chữ cái, các em chưa biết viết nhưng đã tập tô, tập đồ thì đáng lẽ phải cầm bút đúng quy định rồi. Đằng này, rất nhiều em bước vào lớp 1 với “cái đầu trắng”: chưa biết nhận mặt chữ (mà không biết thì rất vất vả vì chương trình lớp 1 yêu cầu học sinh phải học ghép vần), chưa biết cách cầm bút, thiếu kỹ năng lắng nghe và làm theo hướng dẫn của cô giáo”.
“Vì những lý do trên, nhiều học sinh không theo kịp chương trình. Trong đó, kỹ năng biết lắng nghe khi cô giáo giảng bài và kỹ năng làm theo hướng dẫn của cô giáo là cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, nhiều em không hề học chữ trước nhưng nếu có kỹ năng học tập vẫn đạt học sinh giỏi” - giáo viên này cho biết.
chương trình, lớp 1, Tiếng Việt lớp 1, giáo viên tiểu học, Trường mầm non, học sinh lớp 1, tiếu học