(NLĐO)- Nhật báo khoa học Trung Quốc ngày 27-9 đưa tin Bắc Kinh đang có kế hoạch triển khai một tàu chế biến cá di động 200.000 tấn ra bãi Vành Khăn thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Theo đó, tàu chế biến cá này có thể được sử dụng như một căn cứ chế biến hải sản di động cho Trung Quốc ở biển Đông. Đồng thời nó cũng có thể được dùng làm trại cá và cung cấp các dịch vụ khác nhau cho các tàu dân sự và quân sự Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
Trạm gác trái phép do Trung Quốc xây dựng gần bãi Vành Khăn.
Tờ báo có trụ sở tại Bắc Kinh này còn nhấn mạnh rằng đã đến lúc Trung Quốc phải chú ý hơn tới các tài nguyên thiên nhiên ở biển Đông. Trong khi đó, Lei Jilin - một nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu ngư nghiệp Hoàng Hải thuộc Viện khoa học ngư nghiệp Trung Quốc – còn đề xuất nếu kế hoạch tại bãi Vành Khăn thành công, Bắc Kinh nên triển khai một hạm đội tàu tương tự tới biển Đông và Hoa Đông trong tương lai, với sự bảo vệ của hải quân Trung Quốc. Được biết, Viện khoa học ngư nghiệp Trung Quốc có kế hoạch mua một tàu chở dầu 200.000 tấn và biến nó thành một tàu chế biến cá.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, trang tin Rappler của Philippines cùng ngày dẫn lời chuyên gia luật biển quốc tế Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Luật Biển và Hàng hải thuộc Đại học Philippines cho rằng ngư dân nước này đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc bị “hạn chế rất lớn” nếu Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với biển Đông. Một quan chức ngoại giao Philippines cũng đồng ý rằng kịch bản giả định này có thể xảy ra.
Trường Sa, nhà nghiên cứu, tàu cá, Hải quân Trung Quốc, tàu chở dầu, tài nguyên thiên nhiên