Công nghệ thông tin

Văn hóa còi xe Thái Lan dưới góc nhìn người Việt

Người Thái dùng còi xe để nói với xe khác rằng "tôi hết kiên nhẫn với kiểu đi của anh rồi đấy!".

6 giờ chiều, đường phố Bangkok chật cứng như nêm. Phương Anh, cô bạn người Việt đang làm việc tại Thái Lan thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe buýt số 255 đưa cô về nhà bắt vòng cua cuối cùng ra khỏi khu trung tâm Siam.

Ngoái lại nhìn hàng taxi đặc trưng của Thái Lan với đủ sắc màu xanh hồng đang kiên nhẫn nhích từng chút một, cô vẫn không khỏi thấy lạ lẫm, cái cảm giác giống như một năm trước, khi cô đặt chân lên Bangkok làm việc. Không một tiếng còi, dòng xe cộ chầm chậm rục rịch trong thứ âm thanh "grừm grừm" của ống xả.

Giống như Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu của Thái Lan là xe máy và ôtô. Hệ thống giao thông công cộng xây dựng cách đây 2 thập kỷ, nhưng sức hút du lịch khổng lồ khiến Bangkok thường xuyên trong tình trạng quá tải. Không ít sách hướng dẫn du lịch ưu ái gọi nạn kẹt xe tắc đường ở thành phố này là món ăn tinh thần của người Thái cũng như hàng ngàn khách du lịch đến đây mỗi năm.

Đường phố Bangkok. Ảnh: myfashionepiphany.
Đường phố Bangkok. Ảnh: myfashionepiphany.

Giờ cao điểm, đường phố Bangkok nhồi kín bởi 8 làn xe, có thể tắc tới 2-4 giờ đồng hồ. Từng hàng xe di chuyển chậm chạp theo đúng làn đường, hiếm hoi lắm mới có một vài chiếc xe máy hoặc tuk tuk vội vàng lấn làn sau khi phát tín hiệu xin vượt. Ngoài tiếng động cơ xe, tuyệt nhiên không có một tiếng còi.

"Sao không có nhiều còi như ở Việt Nam nhỉ?"

Sau một năm làm việc tại Thái Lan, có dịp đi du lịch nhiều nơi, Phương Anh đã trả lời được một phần thắc mắc của mình, cũng nhờ cô bạn thân Kwan. Sinh ra ở Khon Kean, một tỉnh phía Bắc của Thái Lan, Kwan tới Bangkok theo học du lịch. Phải di chuyển thường xuyên từ thành phố về nông thôn làm hướng dẫn viên, Kwan cho biết tình trạng giao thông ở các khu vực khác nhau khá tốt, chủ yếu do ý thức của người Thái.

Phần đông dân số theo Phật giáo, ngay từ nhỏ, họ được giáo dục về thói lịch sự và thái độ tôn trọng người khác. Bất cứ lái xe nào thấy người đi bộ đều chủ động giảm tốc độ để nhường đường, ngược lại, người đi đường sẽ chắp tay ngỏ ý cảm ơn khi 'lỡ' cắt ngang đường của các phương tiện khác.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng được người dân sử dụng triệt để. Cầu vượt, hầm đi bộ lúc nào cũng đầy ắp người. Nếu ở nơi phải băng qua đường trực tiếp, người đi bộ sẽ nhấn đèn tín hiệu dành riêng xin qua đường. Va chạm giao thông mà đứng lại giằng co không phải là ý hay cho người Thái. Bởi lẽ, luật giao thông quy định, mỗi lần phạm lỗi, ngoài khoản tiền phạt phải nộp, người lái xe còn bị trừ điểm trong quỹ điểm bằng lái.

Một khi bị trừ điểm là đồng nghĩa với treo bằng và bị cấm sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định, nặng hơn nữa phải thi lại để lấy bằng lái xe.

"Cảnh sát giao thông sẽ không làm khó bạn. Họ chỉ viết phiếu phạt và bỏ đi ngay. Nhưng rất phiền phức nếu bị thu bằng lái, bởi việc thi lấy bằng ở đây rất khó khăn. Vì vậy tốt hơn hết là làm theo đúng luật giao thông" - Kwan thú nhận cô đã phải thi lại tới lần thứ 3 mới lấy được bằng lái.

Kwan không khỏi ngạc nhiên khi nghe Phương Anh kể về tình trạng hỗn loạn, "bản giao hưởng tiếng còi" ở Hà Nội hay Sài Gòn mỗi giờ tan tầm. Không chỉ cô gái Thái, anh chàng Max Euwens người Đức cũng "choáng váng" với còi xe ở Việt Nam.

Max thích du lịch bụi, từng lăn lê nhiều ngày ở khu vực châu Á. Từ những con phố hàng hiệu sầm uất nhất Kong Kong, nơi xe buýt và taxi chạy tới 60 km/h trong thành phố, đến con phố nhỏ ở Luang Prabang (Lào), không nơi nào sánh được các thành phố lớn Việt Nam về mức độ "ô nhiễm âm thanh". Không ít lần anh chàng cao to gần 1,9 m giật bắn mình như đứa trẻ khi nghe tiếng còi ré lên phía sau lưng, mặc dù đang đi bộ trên vỉa hè Hà Nội.

Anh bạn hóm hỉnh so sánh, cũng là cái còi nhưng người Thái dùng để nói cho anh bạn trước mặt mình biết rằng "tôi hết kiên nhẫn với kiểu đi xe của anh rồi đấy", còn ở Việt Nam, dường như mọi người dùng còi để chào nhau trên đường, thậm chí ra lệnh cho người khác "tránh ngay khỏi mũi xe tôi".

Về tới nhà sau khi xuống xe buýt, Phương Anh đổ phịch người xuống giường vì ngày làm việc căng thẳng, như thói quen cô rút điện thoại gọi cho người em gái sinh viên tại Việt Nam. Đầu dây bên kia bắt máy, ngay lập tức những thứ âm thanh chát chúa đập vào tai:

"Em đang ngoài đường, tẹo về gọi sau nhé" - cô em nói như gắt trong điện thoại.

"Đây rồi, Việt Nam của tôi như thế này cơ mà" - Phương Anh nhoẻn miệng cười, bật người dậy chuẩn bị bữa tối.

Người lao động

đi du lịch, cấm sử dụng, giao thông công cộng, va chạm giao thông, khách du lịch, người đi đường, phương tiện giao thông, người đi bộ, Luật Giao thông


© 2021 FAP
  3,196,894       1/865