Thời đại gì mà hẹn hò muốn sờ vào đâu cũng được, miễn là không sờ vào điện thoại của nhau?”
Thời đại gì mà Smartphone ngày càng mỏng manh con người ngày càng béo ?
Thời đại gì mà bạn bè ngã thì người ta cười còn điện thoại rơi thì người ta khóc?
Thời đại gì mà tính năng quan trọng nhất của nghe – gọi chính là nút phớt lờ cuộc gọi của người thân?
Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác?
Thời đại gì mà hẹn hò muốn sờ vào đâu cũng được, miễn là không sờ vào điện thoại của nhau?
“Thời đại gì khi điện thoại rơi vỡ, chúng ta lo lắng dằn vặt, còn khi những thứ khác bị mất, bị rớt,… chúng ta quá lười để cúi xuống nhặt chúng lên. Đó có thể là cục tẩy, cây bút, mối quan hệ, thậm chí là một ước mơ?” – Quang Trần
Cái thời đại này quá nhiều nghịch lý
Và thật lạ khi trong gia đình: Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han. Bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng. Vào quán thịt cầy, trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng. Thường chẳng gọi điện về nhà hỏi thăm, mẹ gặp chuyện thì khóc lăn trên Facebook. Nhà cửa to hơn nhưng gia đình thì bé lại.
Trong cuộc sống đời thường thì sao?
Ngồi bên bia rượu hàng giờ, dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ. Cảnh sát (giao thông) “thi hành” luật pháp, dân tình phạm pháp hối lộ. Vứt rác bừa bãi là không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày. Biết mỗi ngày mươi phút thể dục nhẹ nhàng khiến ta khỏe hơn, minh mẫn hơn, nhưng không nhiều người làm.
Và cả những nghịch lý trong tâm hồn
Thời của “thức ăn nhanh”, nhưng tiêu hóa chậm. Nhiều hiểu biết hơn, nhưng kém xử sự. Thân xác to hơn, nhưng tâm hồn nhỏ lại. Ta có smartphone để nắm bắt thông tin, nhưng lại thiếu giao lưu. Quá vô tư và quá ít cười. Học kiếm sống, nhưng không có cuộc sống. Bận nhiều về số lượng, nhưng ít về chất lượng. Còn nhỏ, ai cũng muốn sớm trưởng thành, lớn lên rồi thì ngược lại. (riêng cái này ai có thì tốt nhé, không có thì mới bất ổn)
Bạn còn thấy gì lạ trong xã hội ngược đời này không?
Nếu bạn thấy được nhiều điều như thế này, bạn sẽ làm gì? Đã có quá nhiều những lời khuyên mà chúng ta nghe hằng ngày rồi. Thứ chúng ta cần bây giờ là hành động. Đừng trở thành nạn nhân của thực trạng, đừng đánh mất những mối quan hệ, đừng thiếu đi những kỹ năng sống trong thời đại công nghệ này.
Một vài giải pháp hành động thiết thực:
Lấy ngay smartphone của bạn ra gọi về cho mẹ.
Tập trò chuyện bằng cách nhìn vào mắt bạn gái, và đoán cô ấy cần gì?
Dừng đúng vạch đèn đỏ.
Đọc một cuốn sách mới.
Thay vì quẹt smart-phone, quẹt bằng bút chì lên trang giấy trắng một ý tưởng cho ngày sinh nhật thằng bạn/con bạn thân.
5 đứa bạn thân đi mua NOKIA 1280 đến 30/4 này đi du lịch để smart-phone ở nhà.
10 phút thiền mỗi ngày.
Mỗi tuần một lần leo lên nơi cao nhất thành phố (ví dụ như Bitexco nếu bạn ở Sài Gòn) hóng gió.
Ngày hôm nay tôi sẽ ngủ sớm hơn hôm qua 10 phút.
Sáng mai tôi sẽ dậy sớm hơn hôm qua 5 phút.
Dành 10 phút tập “Sun Salutation” buổi sáng. (Bạn có thể lên Google tìm theo từ khóa: “Sun Salutation”)
Nở ngay ngay nụ cười ngay khi gặp bạn bè.
…
À, đến đây thì mình dừng đọc 2 phút nhé! Ngay bây giờ hãy gọi điện về cho mẹ đã. (nếu đã lâu rồi bạn chưa gọi)
…
Bạn gọi xong chưa? Rồi à? Tuyệt, vậy ta đọc tiếp.
….
Khi ta thấy một điều gì đó chướng tai gai mắt. Ta thường bất bình và khó chịu… Thường khi ấy, cái tôi như một trái bong bóng phình to. Càng phình to thì nó càng dễ vỡ và xác suất bị người ta lấy kim đâm càng tăng. Vì vậy, có rất nhiều lời khuyên nói rằng hãy học cách cho mình một khoảng lặng, quan sát và suy nghĩ thấu đáo xem mình nên làm gì? Thế nhưng, việc im lặng quá lâu mà không hành động gì cả sẽ rất có thể dẫn đến thờ ơ.
Albert Einstein từng nói: “The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don’t do anything about it.”
“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.” – Martin Luther King
Ở thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, sự thờ ơ của người tốt còn đáng sợ hơn những thứ xấu xí, những thực trạng.
Vậy, 2 câu hỏi đặt ra là (1) khi nào ta nên im lặng và không làm gì cả? Khi nào ta nên hành động? Và (2) khi mà ta chưa có gì trong tay, ta chưa có tầm ảnh hưởng, ta có thể làm gì?
1. Ta nên hành động nếu ta chán ghét cái thực trạng ấy và muốn tạo ra sự khác biệt cho chính mình.
Nếu ai cũng đi trễ, hãy là người luôn đúng giờ.
Nếu ai cũng xem phim, đọc báo giật tít, hãy là người đọc sách.
Nếu ai cũng ngại ngần và chần chừ, hãy là người đầu tiên hành động.
Nếu ai cũng xoi mói và “thấm thía” người Việt xấu xí: Lười biếng, trọng bằng cấp, hôi của, lãng phí, gian lận, GATO, hùa theo đám đông… Hãy là người học cho chính mình, khiêm nhường, trung thực, tôn trọng sự khác biệt và dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám khác biệt, dám chịu trách nhiệm.
2. Quay trở lại về việc im lặng để trả lời cho câu hỏi số 2.
Ta nên im lặng nếu ta thực sự rất bất bình với những điều ta không muốn thấy người mà ta yêu quý. Hãy tin tôi, điều đó thực sự giúp họ rất nhiều. Một ví dụ đơn giản nhé. Ta thường cảm thấy sợ nhiều hơn khi ta mắc lỗi mà đáng lẽ ra người kia phải rất giận. Nhưng ta lại thấy họ im lặng. Và nó hữu ích hơn cho ta, làm ta hối hận hơn rất nhiều so với sự quở trách. Về phía người im lặng họ cũng vừa giúp được ta mà cũng ko bị thốt ra những lời không hay nữa…
Sự im lặng của ta còn giúp người ấy bình tĩnh nhìn nhận lại sự việc một cách thấu đáo hơn. Không ai muốn bị người mà mình yêu quý chỉ trích lỗi sai cả… Sẽ tốt hơn nếu ta để họ tự nhận ra điều đó và tự mình muốn thay đổi. Còn mình thì tập trung làm gương thôi
Thay cho lời kết
Hãy dừng việc mổ xẻ và phân tích quá nhiều về một vấn đề. Đến cuối cùng nó cũng chỉ quay về việc kể lể và than phiền mà thôi. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Thay vào đó hãy tập trung vào sự thay đổi của chính mình, tập trung vào hành động để tạo ra sự khác biệt.
Còn về sự im lặng, những khoảng lặng giúp tất cả mọi người nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn. Hãy xem im lặng như đó là một cách để giúp người khác tự mình thay đổi theo cách mà họ muốn.
“Be the change you want to see in the world.” – Mahatma Gandhi
Và đừng quên chia sẻ bài viết này lên tường để lan tỏa tinh thần người trẻ dám thay đổi, hay chỉ đơn giản là bạn muốn nhắn nhủ với chính bản thân mình là: “Yeah, cuối cùng thì mình cũng đã gọi điện cho người mà mình muốn gọi từ lâu lắm rồi.” Hoặc: “Sáng mai nhất định dậy sớm tập thể dục.”
tập thể dục, điện thoại di động, kỹ năng sống, đi du lịch, chịu trách nhiệm, trọng bằng cấp, mối quan hệ, thức ăn nhanh, người im lặng, màn hình điện