Công nghệ thông tin

Cắt “bầu sữa”nhà hát quốc doanh

Nhiều nhà hát đã quen với việc đầu tư tối đa lên đến trên 20 tỉ đồng mỗi năm giờ phải ra riêng thì chếnh choáng, không thích

Theo kế hoạch, từ năm 2015, 4 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc trung ương và Nhà hát Múa rối trung ương sẽ phải tự chủ tài chính. Để chuẩn bị cho việc “ra riêng”, nhạc sĩ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết anh đã có nhiều đêm mất ngủ để tìm hướng đi mới cho nhà hát.

Nghệ sĩ có tên nhưng không bán được vé

“Tôi đã trải qua những nỗi đau của người làm chương trình mà không có khán giả. Nghệ sĩ biểu diễn ở trên, phía dưới sân khấu, giám đốc đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc vì khán phòng không có người xem” - giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, một trong những nhà hát quốc doanh có bề dày nhất về biểu diễn, tâm sự. “Nhiều chương trình chúng tôi được khen hay nhưng phải tặng vé người ta mới đi xem, mà đôi khi đến sát giờ biểu diễn, họ lại bảo mình bận việc không đến được. Đó chính là lý do buộc chúng tôi phải thay đổi khi phải đối mặt với thị trường. Cứ quay mặt về quá khứ thì đi giật lùi, có ngày ngã chết” - nhạc sĩ Quang Vinh nói.

Tùng Dương sẽ có mặt trong  Mùa thu cho em, chương trình mở màn chuỗi chương trình ca nhạc theo chủ đề của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ tháng 9-2014
Tùng Dương sẽ có mặt trong Mùa thu cho em, chương trình mở màn chuỗi chương trình ca nhạc theo chủ đề của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam từ tháng 9-2014

Tuy nhiên, để dứt khỏi bầu sữa bao cấp, nhà hát phải lo ít nhất là khoảng 6 tỉ đồng tiền lương mỗi năm cho 170 cán bộ, nghệ sĩ. Đây là việc không đơn giản đối với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Quang Vinh cho biết thêm: “Nghệ sĩ của chúng tôi chủ yếu theo 2 dòng ca múa nhạc dân tộc và nhạc cách mạng, mỗi năm có 70-100 buổi biểu diễn thì phần lớn là đi biểu diễn phục vụ, giờ yêu cầu họ phải đối mặt với việc phục vụ thị hiếu khán giả kể cũng hơi căng, phải có thời gian. NSƯT Đức Long, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Thái Bảo… là những tên tuổi lớn nhưng biểu diễn chưa chắc đã bán được vé”.

Một lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ cũng tâm sự việc buộc phải tự chủ sẽ khiến nhà hát này gặp nhiều khó khăn với đoàn ca múa nhạc chuyên phục vụ biểu diễn thiếu nhi cũng như các nghệ sĩ chính kịch. Nếu xã hội hóa thì sẽ chẳng còn ai muốn làm chương trình cho thiếu nhi, tiền thì không mà vinh quang cũng chẳng có gì, rất nhiều thứ khó khăn.

“Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách tiếp cận thị trường ca nhạc bằng chuỗi chương trình định kỳ tại Nhà hát Âu Cơ với những nghệ sĩ nổi tiếng - những cộng tác viên của nhà hát” - nhạc sĩ Quang Vinh cho biết. Một số nhà hát đang áp dụng mô hình liên kết khai thác kinh doanh với các công ty du lịch như nhiều nước khác.  Trong đó, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đang xây dựng chương trình biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tại rạp Hồng Hà hằng tuần để phục vụ khách du lịch, mở thêm các CLB, trung tâm đào tạo nghệ thuật cho các em nhỏ biểu diễn có thêm thu nhập. Không còn cách nào khác, phải “xoay” mọi kiểu để anh em có thể sống được.

Biết xoay xở là sống được

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam là một trong những đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT-DL đi tiên phong trong việc tự chủ tài chính từ năm 2012. Theo NSND Trần Bình, giám đốc nhà hát này, 3 năm trước đó, từ 2009 đến 2011, nhà hát đã tự chủ tài chính một phần, bộ chỉ bao cấp phần lương của các nghệ sĩ. Hai năm sau tự chủ, thu nhập của cán bộ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã tăng gần 3 lần, doanh số của nhà hát lên tới 35 tỉ đồng, một con số “khủng” đối với một đơn vị nhà nước. “Nhiều người nói nhà hát của chúng tôi là nghệ thuật đương đại nên có nhiều thuận lợi nhưng không hẳn thế. Nhìn vào thị trường âm nhạc, ai cũng thấy việc tổ chức các sô ca múa nhạc không phải là thắng lợi, 2.000 công ty tổ chức biểu diễn tư nhân rất năng động, trong khi các nhà hát nhà nước thì chậm xoay mình” - NSND Trần Bình nói.

Theo nghệ sĩ này, sở dĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thành công trong mô hình tự chủ là bởi tất cả nghệ sĩ của nhà hát đều hiểu họ phải và sẽ đáp ứng được các yêu cầu của khán giả cũng như các đơn vị đặt hàng. “Chúng tôi cố gắng giữ thương hiệu về chuyên môn, bên cạnh các chương trình nghệ thuật có bán vé, những chương trình khác, từ lễ hội, chương trình kỷ niệm công ty, sự kiện… của các bộ, ngành, địa phương chúng tôi đều làm hết và làm hết mình. Thực ra, chính việc tham gia các chương trình theo đặt hàng mới là nguồn thu chính của chúng tôi” - NSND Trần Bình “bật mí”. Bầu sô này cũng không quên khoe nhà hát đã có kế hoạch làm việc đến hết năm.

Nhà hát Tuổi trẻ là một trong số ít nhà hát ở phía Bắc sáng đèn hằng đêm với khoảng 600 buổi biểu diễn/năm của cả 4 đoàn nghệ thuật. Một lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhà nước đầu tư cho chúng tôi 4 tác phẩm nhưng năm nào nhà hát cũng giới thiệu tới khán giả 10 vở mới. 1/3 chương trình của chúng tôi là xã hội hóa bằng các dự án hợp tác với các đơn vị cũng như các tổ chức nước ngoài như Đức, Nhật, Mỹ, Thụy Điển…”.

Theo nhận định của giám đốc một nhà hát có tiếng, nhiều nhà hát đã quen với “bầu sữa mẹ” với đầu tư tối đa lên đến trên 20 tỉ đồng mỗi năm giờ phải ra riêng thì chếnh choáng, không thích. Nhưng dù vậy, vẫn phải tự chủ, vì khi tự chủ người ta sẽ phải rất năng động, sáng tạo. Bị đẩy vào chân tường, người ta sẽ phải nghĩ cách để thay đổi. 

Cơ chế riêng cho nghệ sĩ quá tuổi

Thừa nhận “ra riêng” là con đường tất yếu mà mình không thể cưỡng lại nhưng nhạc sĩ Quang Vinh cũng băn khoăn “nếu chỉ có sự thay đổi về cơ chế, chính sách mà con người vẫn như cũ, tức là thay đổi không đồng bộ thì không thể tránh được những rủi ro đáng tiếc”. Theo ông, nhà nước nên có chính sách rõ ràng đối với các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến nhưng hiện tại đã quá tuổi để biểu diễn. “Nếu họ ở lại thì khó cho cả hai bên, nhà hát thì không có tiền trả lương còn nghệ sĩ thì cũng không muốn bám vào nhà hát vì họ có tự trọng của họ nhưng bảo hiểm thì không cho họ về hưu non” - ông nói. Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ cũng chia sẻ lo lắng này: “Các nghệ sĩ ca, múa, xiếc... quá tuổi không biểu diễn được thì giải quyết như thế nào? Nếu có chính sách giải quyết “một cục” cho họ như đã từng làm trước đây thì quá tốt”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,201,877       57/1,410