Công nghệ thông tin

Cho vay tín chấp, vừa làm vừa run

(NLĐO) - Giải pháp đẩy mạnh cho vay tín chấp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tốt nhưng nỗi lo nợ xấu như một bức tường ngăn cách giữa ngân hàng với doanh nghiệp

Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các NH thương mại đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp).

Cụ thể, các NH thương mại xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin của khách hàng từ các tổ chức chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay…

Trong khi cho vay tín chấp doanh nghiệp gặp khó thì cho vay ưu đãi cá nhân lại nở rộ. Ảnh minh họa: Internet
Trong khi cho vay tín chấp doanh nghiệp gặp khó thì cho vay ưu đãi cá nhân lại nở rộ. Ảnh minh họa: Internet

Mừng ít lo nhiều

Không ít DN đang “chết lâm sàng” vì thiếu vốn tỏ ra quan tâm thông tin NH thương mại sẽ tăng cường cho vay tín chấp. Ông Phạm Như Bách, Giám đốc Công ty CP giấy Mai Lan, cho rằng đây là thông tin tốt đối với các DN đang có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, nhất là các DN trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Trong khi đó, ông Trần Anh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Linh Anh (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, rau củ quả), cho rằng nếu chủ trương này được khuyến khích cách đây 2 năm trước sẽ hỗ trợ rất nhiều do DN. “Trong suốt 2 năm qua, tín dụng bị thắt chặt, DN vừa và nhỏ gặp khó khăn không thể tiếp cận vốn mà phải tự xoay sở bằng mọi cách. Họ trụ được đến giờ này đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công… nên việc tiếp vốn qua cửa tín chấp thời điểm này không mang nhiều ý nghĩa. Ngay bản thân công ty tôi cũng đã không vay NH từ 2 năm nay” - ông Hoàng cho biết.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó vay tín chấp. Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ ở quận 12, TP HCM.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó vay tín chấp. Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ ở quận 12, TP HCM.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng dù NH Nhà nước khuyến khích tăng cho vay tín chấp nhưng phía các NH thương mại lại không mặn mà bởi mối lo nợ xấu. “Một số giám đốc chi nhánh NH khi được hỏi về vay tín chấp cũng nói sợ cho vay xong, khách hàng xù nợ thì bị xử lý, truy tố hình sự nên rất ngại” - ông Hưng nói. Hơn nữa, hiện có tài sản vay đã khó, vì tài sản chỉ là một yếu tố nếu không có phương án kinh doanh tốt, hiệu quả sẽ khó được NH chấp nhận giải ngân khi nợ xấu đang tăng lên.

Lo lắng nợ xấu

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, các NH thương mại đang triển khai cho vay tín chấp theo chỉ đạo của thống đốc nhưng khá dè dặt vì sợ nợ xấu. Để hiệu quả, NH phải chọn DN để xếp hạng tín nhiệm nội bộ kỹ càng. “Bản thân các DN muốn vay tín chấp phải được thẩm định lại phương án sản xuất kinh doanh, có tính khả thi cao NH mới dám cho vay không đảm bảo. Cho vay tín chấp lúc nào cũng rủi ro và phải trích dự phòng rùi ro cao hơn các loại khác” - ông Minh nói.

Theo các NH thương mại, việc cho vay tín chấp là hoạt động tín dụng bình thường, được một số NH thương mại triển khai từ lâu, áp dụng đối với các DN lớn, có sức khỏe tài chính tốt và có dòng tiền mạnh. Riêng đối với các DN vừa và nhỏ, để được cho vay tín chấp là không đơn giản.

Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc khối khách hàng DN, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho rằng “tín chấp” là tín nhiệm giữa 2 bên, trong khi DN nhỏ, thời gian hoạt động chưa nhiều nên chưa tạo được chữ tín với NH. Do đó, các DN vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh minh bạch, có thể mở tài khoản NH, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản và hạn chế dùng tiền mặt. Về lâu dài, các NH mới đánh giá độ tín nhiệm của DN để cân nhắc cho vay…

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đây là chủ trương tốt nhưng cần lưu ý, bởi NH thương mại phải tăng cho vay tín chấp nhưng không tăng nợ xấu là “vòng kim cô” rất khó. Muốn làm được, NH phải tăng tín chấp gắn liền với giám sát dòng tiền. “Vấn đề nợ xấu hiện nay là do quá trình giám sát tín dụng quá kém trong quá khứ. Do đó, giám sát tín dụng là một yêu cầu rất quan trọng đối với NH thương mại, NH không thể không biết khoản vay khách hàng dùng để làm gì” - ông Lịch nói.

Tín chấp cá nhân ít rủi ro

Để khơi thông đầu ra, NH luôn tính đến phương án cho vay tín chấp. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là nếu chẳng may khách hàng mất khả năng trả nợ thì nguy cơ NH mất vốn rất cao. Do đó, một số NH đề nghị chủ DN bảo lãnh cho các nhân viên cốt cán của mình vay vốn NH với lãi suất 9-10%/năm. Tuy nhiên phương án này không hề dễ dàng bởi không chủ DN nào dám bảo lãnh trách nhiệm trả nợ cho người khác.

Riêng doanh nghiệp DN không có tài sản thế chấp, các NH cũng đã triển khai phương án cho vay tín chấp, lãi suất chỉ từ 6-8%/năm kèm theo dòng tiền thanh toán. Ví dụ, một DN vay 100 tỉ đồng phải có dòng tiền thanh toán từ các đối tác thông qua NH ít nhất 50-70 tỉ đồng. Như thế, một phần dòng tiền của DN đã trở thành tài sản thế chấp. Khi đó, NH đã có địa chỉ để hạn chế tình trạng mất vốn.

Trong khi đó, NH luôn sẵn sàng cho cá nhân vay hàng trăm triệu đồng, thời hạn vay 5 năm, lãi suất 11,47%/năm, thủ tục hết sức đơn giản. Bù lại NH thường áp dụng lãi suất theo dư nợ ban đầu, tính ra lãi suất cho vay lên tới 20%/năm. Thực tế cũng cho thấy cá nhân vay tiền thông qua thẻ tín dụng cũng là phương thức cho vay tín chấp, lãi suất từ 15-24%/năm. Với các mức lãi suất cao, NH sẽ bù đắp mất vốn khi khách hàng không trả được nợ. Thy Thơ.

Người lao động

thẻ tín dụng, tài sản thế chấp, Trần Du Lịch, lãi suất cao, vay tín chấp, phương án kinh doanh, mở tài khoản, ông Nguyễn Hoàng Minh


© 2021 FAP
  3,243,209       10/1,550