Hai tuần đã trôi qua từ ngày được cảnh sát Trung Quốc trả về nước, 9 lao động tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn chưa hết hoảng sợ
Cơn mưa rừng khiến con đường quanh co với nhiều dốc dựng đứng dài khoảng 20 km từ thị trấn miền sơn cước huyện Con Cuông vào bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục như dài hơn. Mất khoảng 1 giờ đánh vật với chiếc xe máy, chúng tôi mới đến bản Hồng Thắng - nơi có 9 lao động làm việc chui tại Trung Quốc bị cảnh sát bắt giam vừa được trả về nước. Ngày trở về, tất cả họ đều ngậm ngùi vì rơi vào cảnh tay trắng.
Nợ nần bủa vây
Bản nhỏ nằm lọt thỏm giữa núi rừng hoang lạnh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn tuềnh toàng nằm ở mé chân đồi, anh Vi Văn Du (SN 1994) nhớ lại: “Tháng 2-2014, nghe mấy người trong bản rủ sang Trung Quốc làm việc với chi phí thấp, lương lại cao nên mình cũng đi. Sau khi nộp đủ tiền phí môi giới, mình cùng 8 người trong bản đón xe ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đến khu vực đường biên với Trung Quốc, cả nhóm được đưa sang một xưởng sản xuất loa, đài ở tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc làm việc”.
Anh Du và 8 người khác trong bản: Vi Văn Màng, Vi Văn Điệp, Vi Văn Thuận, La Văn Tâm, Vi Văn Chung, Vi Văn Chuyền, Vi Văn Đạo, Vi Văn Thiết đều làm việc cùng một nơi, mức lương chủ hứa là 7 triệu đồng/tháng. Anh Vi Văn Thiết kể: “Tụi mình làm việc quần quật cả ngày, tối đến họ nhốt không cho đi đâu, 3 tháng nhưng chủ chỉ nuôi ăn ở chứ chưa trả cho đồng lương nào. Bất ngờ vào một đêm cuối tháng 5-2014, khi tất cả đang ngủ thì cảnh sát Trung Quốc ập vào kiểm tra. Do không ai có giấy tờ nên họ đưa tất cả ra xe chở về đồn cảnh sát nhốt”.
Sau khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam 2 tháng, ngày 28-7, tất cả 9 lao động nêu trên được cho về nước. “Ngày mình về nhà, gia đình ai cũng mừng vì mọi người nghĩ chắc là cả bọn đã chết do suốt mấy tháng trời không có tin tức gì ” - anh Thiết tâm sự.
Để sang Trung Quốc làm việc, 9 lao động này đã phải bỏ ra mỗi người 6-7 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại. Hơn 5 tháng lưu lạc ở Trung Quốc, các lao động trở về trong cảnh tay trắng, nợ nần vây quanh.
Muốn về phải “chuộc thân”
Rời bản Hồng Thắng, chúng tôi tìm đến bản Hồng Điện, bản Phúc ở xã Đôn Phục, nơi có nhiều người dân vốn đã nghèo nay lại càng đói khổ hơn khi lỡ tin lời kẻ xấu vay tiền sang Trung Quốc làm việc chui. Đó là các anh, chị: Lương Văn Thức, Lô Văn Vọng (bản Hồng Điện), Vi Thị Thê, Lương Ngọc Công, Lữ Văn Thiết (bản Phúc)…
Ông Vi Xuân Hoàng, trưởng bản Hồng Điện, thở dài: “Người dân bản nghèo khổ, dân trí thấp, thấy người ta bảo đi Trung Quốc làm ăn có tiền nên rủ nhau vay mượn để đi. Sang bên đó được một thời gian, người thì khổ cực quá không chịu được đành bỏ về, người thì bị cảnh sát bắt giam. Mấy tháng đi làm thuê cực khổ nhưng về nhà không ai có đồng nào. Nhiều người về phải bán heo, bán bò để trả nợ tiền đóng phí môi giới vay lúc đi”.
Nhiều người sang Trung Quốc làm việc chui, khổ cực quá muốn về nước phải nộp tiền phạt, tiền “chuộc thân”. Ông Lang Vi Đức, Chủ tịch UBND xã Đôn Phục, cho biết: “Năm 2013, bản Phúc có Vi Thị Thê, Lương Ngọc Công, Lữ Văn Thiết sang Trung Quốc làm việc trái phép. Làm việc cực nhọc quá, họ muốn về nước nhưng chưa nộp tiền phạt thì chủ không cho. Người thân của 3 lao động này đã phải vay mượn, nộp mỗi người 3,5 triệu đồng thì phía Trung Quốc mới thả về với gia đình”.
Tháng 2-2013, 8 người dân ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng nghe theo lời rủ rê của bà Nguyễn Thị Thìn (ngụ xã Lăng Thành) nộp 6 triệu đồng để sang Trung Quốc. Làm việc vất vả, cực nhọc tại xưởng sản xuất giày da 2 tháng chưa được nhận lương thì họ bị cảnh sát bắt giam vì cư trú bất hợp pháp. Tháng 6-2013, sau hơn 2 tháng bị bắt giam, để được thả về nước, tất cả lao động này phải nộp phạt mỗi người 5 triệu đồng...