Không chỉ chạy điểm để được vớt từ rớt thành đậu và thăng hạng tốt nghiệp từ trung bình lên khá, khá lên giỏi, nhiều sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn còn bỏ tiền mua bảng điểm đẹp để dễ xin việc!
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 17-8, khoảng 10 cựu sinh viên (SV) khóa 33 (năm học 2010-2014) Trường ĐH Quy Nhơn vừa mang bằng tốt nghiệp ĐH và bảng điểm đến Phòng Đào tạo nộp lại. Đây là những SV trong số hàng chục trường hợp bị phát hiện được nâng điểm trong đợt xét tốt nghiệp cấp bằng ĐH vừa qua.
Đề nghị công an vào cuộc
SV được nâng điểm có ở nhiều khoa, tập trung chủ yếu là 2 khoa Kinh tế - Kế toán và Tài chính - Ngân hàng - Quản trị kinh doanh. Phòng Đào tạo và các khoa liên quan của Trường ĐH Quy Nhơn được xác định có dấu hiệu thực hiện việc nâng điểm.
Trước đó, cuối tháng 6-2014, khi điểm xét tốt nghiệp của nhiều SV khóa 33 được thông báo trên mạng nội bộ Trường ĐH Quy Nhơn cao hơn điểm gốc, dư luận rất bất bình, cho rằng có dấu hiệu gian lận. Lãnh đạo nhà trường đã lập hội đồng thanh tra, tiến hành rà soát lại bảng điểm của hàng ngàn SV vừa tốt nghiệp và phát hiện nhiều vụ chạy điểm.
Hội đồng Thanh tra Trường ĐH Quy Nhơn vẫn đang tiếp tục đối chiếu điểm gốc lưu ở khoa và bảng điểm tốt nghiệp của SV khóa 33 để truy tìm những trường hợp nâng điểm trái quy định.
“Phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu được nâng điểm, trường lập tức thông báo cho SV mang bằng đến nộp và viết giải trình vụ việc. Song, SV mang bằng đến nộp rất ít so với số mà trường yêu cầu, nhất là SV các lớp liên thông từ CĐ lên ĐH không chịu thực hiện. Sắp tới, trường sẽ đề nghị công an hỗ trợ thu hồi bằng của các đối tượng này” - một nguồn tin từ Trường ĐH Quy Nhơn cho biết.
Khóa 33 Trường ĐH Quy Nhơn có 3.734 SV ĐH, CĐ hệ chính quy được công nhận kết quả tốt nghiệp. Đây cũng là khóa đầu tiên của trường đào tạo theo hình thức tín chỉ.
Chỉ cần 2-3 triệu đồng
Trao đổi với chúng tôi về chuyện chạy điểm, nhiều SV Trường ĐH Quy Nhơn tỏ ra rất dè dặt, lo ngại sẽ bị trù dập nếu tên tuổi bị tiết lộ. Đến khi chúng tôi khẳng định chỉ phản ánh vụ việc mà không nêu tên tuổi cụ thể, nhiều SV mới thừa nhận từng chi tiền triệu để mua điểm. T.H.S, SV khóa 33 Khoa Kinh tế - Kế toán, là một trong số đó.
Giữa tháng 4-2014, khi biết số điểm tổng kết các môn học theo hình thức tín chỉ của mình không đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, S. rất lo lắng. Nghe nhiều người mách nước, S. tìm đến một SV học cùng khóa trong trường nhờ giúp đỡ. Sau khi “nghiên cứu” bảng điểm của S., SV này quả quyết chỉ cần chi 3 triệu đồng mua điểm môn tài chính doanh nghiệp thì điểm tổng kết sẽ đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.
S. liền đưa đủ số tiền cho bạn. Sau đó không lâu, S. kiểm tra trên mạng thì quả nhiên thấy điểm môn tài chính doanh nghiệp được nâng lên, dẫn đến điểm tổng kết đạt trung bình nên được xét công nhận tốt nghiệp. Chạy điểm trót lọt, cuối tháng 6-2014, S. nghiễm nhiên được nhận bằng tốt nghiệp ĐH.
Không chỉ chạy điểm để được vớt từ rớt thành đậu và thăng hạng tốt nghiệp từ trung bình lên khá, khá lên giỏi, nhiều SV Trường ĐH Quy Nhơn còn bỏ tiền mua bảng điểm đẹp để dễ xin việc! Theo N.Th., nữ SV khóa 33, trước khi trường xét tốt nghiệp, cô tính bình quân các môn thì thấy điểm tổng kết của mình thuộc loại khá. Vì có một môn điểm thấp hơn nhiều so với các môn khác, dẫn đến bảng điểm không đẹp nên Th. than thở với T., một nam SV cùng lớp.
Nghe vậy, T. bảo chỉ cần đưa 2 triệu đồng chi cho thầy thì điểm môn ấy sẽ được nâng lên. “Thấy số tiền không nhiều mà được sửa lại điểm cao để dễ xin việc nên em liền đưa cho T. ngay trong lớp. Đúng như T. nói, sau đó không lâu, môn điểm thấp của em được sửa từ 5 lên 7,5” - Th. nhớ lại.
Hai khoa nhức nhối
PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, hiệu trưởng, cho biết hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình thanh tra, chưa có kết luận chính thức. “Kết quả thanh tra sẽ được công bố rõ ràng, minh bạch. Nhà trường sẽ làm rõ có hay không tiêu cực. Nếu phát hiện sai phạm thì ai sai sẽ bị xử lý nghiêm” - ông khẳng định.
Theo nhiều SV Trường ĐH Quy Nhơn, nạn mua điểm, chạy điểm ở đây diễn ra từ lâu và khá phổ biến. Trong đó, nhức nhối nhất là ở 2 khoa Kinh tế - Kế toán và Tài chính - Ngân hàng - Quản trị kinh doanh.