Công nghệ thông tin

Tỉ phú Facebook - 30 tuổi phục vụ 1,2 tỉ người

2014 là năm đặc biệt với Mark Zuckerberg bởi anh vừa tròn 30 tuổi còn đứa con tinh thần Facebook lên 10.

Đoạt danh hiệu người kiếm tiền nhiều nhất năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn, Mark Zuckerberg - chàng trai vừa tròn 30 tuổi, chủ sở hữu trang mạng xã hội Facebook, trở thành hình mẫu cho giới trẻ.

Tạp chí Forbes từng viết: “Ở Mark Zuckerberg không có những biểu hiện của một doanh nhân điển hình, nhưng không ngẫu nhiên - sau cái búng tay đầy ma thuật, chàng trai khá giản dị với áo phông, quần jeans trở thành chủ sở hữu trang mạng xã hội có tới hơn một tỉ người sử dụng trên toàn thế giới.”

Điều gì ở chàng trai có gương mặt tàn nhang, mái tóc xoăn tít, nghĩ nhanh, nói nhanh…sở hữu trong tay 1 tỉ USD ở tuổi 25 và con số hiện vượt mốc 28,5 tỉ USD, giúp anh góp mặt vào hàng ngũ 50 tỉ phú giàu nhất của Forbes năm 2014?

Zuckerberg tại văn phòng làm việc - Ảnh: AP
Zuckerberg tại văn phòng làm việc - Ảnh: AP

Bỏ tỉ đô la này để kiếm tỉ đô la khác

Cha của Zuck - ông Edward Zuckerberg chia sẻ với Tạp chí Time: “Vợ chồng tôi luôn tin tưởng, thay vì áp đặt hoặc chỉ đạo cuộc sống con mình theo hướng chúng tôi muốn, hãy tập trung nhận ra thế mạnh, hỗ trợ và giúp chúng theo đuổi đam mê. Đối với Mark Zuckerberg, cậu bé đã thể hiện niềm đam mê công nghệ mãnh liệt từ nhỏ”.

Và từ đam mê đó, cộng với tài năng rực sáng và khát khao kết nối con người, Zuckerberg đã biết “bỏ con tép bắt con tôm”, khước từ những hợp đồng béo bở để… trở thành tỉ phú như hiện nay.

Khi bước vào học viện Phillip Exeter Academy, Zuck cùng một người bạn tạo ra phần mềm âm nhạc Pandora có tên là Synapse, thu hút sự chú ý của hai hãng lớn là AOL và Microsoft cùng lời đề nghị mua lại sản phẩm với giá 1 triệu USD, nhưng đổi lại Mark phải bỏ học để phát triển dự án.

Cảm thấy thời cơ chưa chín muồi, Zuck từ chối lời đề nghị và quyết tâm đứng vào hàng ngũ sinh viên của trường đại học danh giá bậc nhất nước Mỹ - Harvard.

Tại đại học Harvard, anh tiếp tục miệt mài nuôi dưỡng ước mơ, khai sinh nhiều ý tưởng đặc sắc như: chương trình CourseMatch - giúp sinh viên lựa chọn lớp học; chương trình Facemash - bầu chọn gương mặt ăn ảnh nhất trong những tấm hình lưu niệm.

Zuck chia sẻ trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập công ty: “Có một câu tôi luôn tự vấn: tại sao chúng tôi lại là những người tạo ra Facebook khi chỉ là những gã sinh viên, không tiềm lực như các tập đoàn lớn? Đơn giản, chúng tôi là những người thực sự quan tâm đến tầm quan trọng của việc kết nối thế giới. Chúng tôi khao khát, nuôi dưỡng và thực hiện sự quan tâm đó”.

Năm 2006, Yahoo đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỉ USD. Zuckerberg lại từ chối. “Tôi chưa thấy ai quay lưng bỏ đi với 1 tỉ USD”, Terry Semel, cựu CEO của Yahoo nhớ lại.

Tranh luận chỉ làm tốn thời gian

Ngoài tài năng công nghệ phi thường cũng như khả năng nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người dùng mạng xã hội, một khía cạnh khác giúp Mark Zuckerberg đưa Facebook băng băng về phía trước là khả năng quản lý hiệu quả và mới lạ.

Tranh luận là một phần để phát triển nhưng với Mark, anh lại không thích điều này bởi nó chỉ tốn thời gian. Khẩu hiệu “Viết mã hóa thắng tranh luận” được treo tại văn phòng làm việc của Facebook bởi Zuckerberg cho rằng, việc thực hiện ý tưởng là cách tốt nhất để xem kế hoạch có hiệu quả hay không.

“Move fast and break things” (Đi nhanh và phá vỡ mọi trở ngại) là một trong câu khẩu hiệu hàng đầu trong chiến lược lập nghiệp của Mark Zuckerberg. Anh chia sẻ: “Cách tốt nhất có được ảnh hưởng lớn nhất là việc đảm bảo mình luôn tập trung vào việc giải quyết các vấn đề. Nhanh chóng dịch chuyển cho phép chúng ta xử lý nhiều vấn đề và học hỏi nhanh hơn”.

Bên cạnh quy tắc “Viết mã hóa thắng tranh luận”, Zuckerberg cũng hiểu rằng để Facebook phát triển, anh cần phải dùng đúng người ở từng vị trí cụ thể.

Zuck biết rõ anh chỉ có thể làm tốt việc phát triển sản phẩm thay vì điều hành cả công ty theo hướng kinh doanh. Vì thế, anh cho rằng muốn tạo ra những thành công vượt bậc lâu dài, chúng ta cần có một đội ngũ tốt và chung mục tiêu.

25% thời gian làm việc của Zuck dùng để tuyển dụng nhân sự cấp cao, tìm ra những người giỏi về kỹ năng, có chung chí hướng. Đặc biệt, Zuck không bao giờ tuyển những đối tác làm việc chỉ đơn giản vì tiền.

Với Zuckerberg, vấn đề chính anh quan tâm đến đó là sản phẩm chứ không phải doanh thu. Mark cũng xác định rõ: “Có nhiều người hiểu lầm tôi không quan tâm đến lợi nhuận hay đại loại thế, nhưng thực ra không phải vậy. Điều tôi làm là gắn sứ mệnh với kinh doanh. Như vậy, thành công sẽ đến một cách có ý nghĩa”

Việc chiêu mộ được Sheryl Sandberg là một minh chứng rõ ràng về lý thuyết quan hệ đối tác đúng đắn. “Chính cô là người góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng và thành công của công ty trong những năm qua”, Zuck cho biết. Và cho tới thời điểm này, tài sản của Sheryl Sandberg đã đạt cột mốc 10 con số, gia nhập hàng ngũ những tỉ phú trên thế giới.

Hướng đi mới của Facebook

Zuckerberg đã có những chia sẻ thú vị.

* Cách đây 10 năm, anh tạo ra Facebook cho những người đồng trang lứa. Bây giờ anh đã 30 tuổi và đang tạo ra những ứng dụng cho những người trẻ hơn. Vậy anh có cảm thấy mình đang kết nối được với những khách hàng trẻ tuổi hiện nay?

- Thành thật mà nói, phần đông người sử dụng Facebook đều không cùng độ tuổi với tôi. Điều quan trọng là phải hiểu khách hàng muốn gì và công việc này càng khó khăn hơn khi bạn có quá nhiều người phải phục vụ. Chúng tôi phải phục vụ 1,2 tỉ người do đó Facebook chú trọng rất lớn đến những thư phản hồi của khách hang.

Tôi không nghĩ tuổi tác của khách hang là điều tôi lo lắng nhất. Tôi chú trọng đến việc phát triển của Internet và khả năng kết nối mọi người. Điều tôi đòi hỏi là những giám đốc sản phẩm của Facebook phải đi khắp thế giới, đến những thị trường tiềm năng để tìm hiểu về con người nơi đó. Và họ đã đem về những điều rất thú vị.

Chúng tôi chú trọng đến nghiên cứu nhân khẩu học ở mọi quốc gia để có thể tập trung phát triển các ứng dụng mà các bạn teen cũng như khách hàng thuộc mọi lứa tuổi khác yêu thích.

* Anh có thể chia sẻ về việc lãnh đạo, tầm nhìn của facebook cũng như chiến lược phát triển?

-Tôi cùng đồng nghiệp đã từng cùng nhau thức trắng nhiều đêm, thảo luận để tìm ra hướng đi mới. Điều lớn nhất tôi học được trong 10 năm qua đó là luôn có một “nước cờ” mới. Và để tìm ra được điều này, bạn phải luôn hướng tới và dốc hết khả năng có thể.

Người lao động

mạng xã hội, Tạp chí Forbes, Mark Zuckerberg, chiến lược phát triển, mạng xã hội facebook, trang mạng xã hội, tỉ phú facebook


© 2021 FAP
  3,262,109       2/1,539