Công nghệ thông tin

Ngân hàng Việt chạy đua xuất ngoại “kiếm cơm”

(NLĐO) - Việc các ngân hàng Việt mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài không chỉ gia tăng mạng lưới, tăng tính cạnh tranh mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt khi đầu tư ra nước ngoài.

Sau khi được Ngân hàng (NH) Nhà nước chấp thuận thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết đang tiến hành các bước kế tiếp để văn phòng đại diện này có thể đi vào hoạt động từ tháng 12-2014.

Tăng sức cạnh tranh

Myanmar đang là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động kinh doanh, sau khi nước này mở cửa đầu tư. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt sang đầu tư tại nước này, là cơ hội cho các NH thương mại xuất ngoại để phục vụ DN Việt và DN bản địa…

HDBank sẽ mở văn phòng đại diện tại Myanmar vào cuối năm nay.
HDBank sẽ mở văn phòng đại diện tại Myanmar vào cuối năm nay.

Trước đó, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị tiên phong mở chi nhánh ở thị trường Myanmar từ đầu năm 2010. Đến năm 2012, NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép thành lập văn phòng và bắt đầu hoạt động từ năm 2013. Vietinbank cho biết đang nỗ lực để thành lập một NH con tại Myanmar ngay khi chính phủ nước này có chính sách mở cửa cho NH nước ngoài hoạt động.

Xu hướng mở chi nhánh ở nước ngoài cũng được nhiều NH thương mại khác tại Việt Nam triển khai, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng là những DN đang hoạt động đầu tư ra nước ngoài. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mở chi nhánh tại Lào (từ năm 2008) và Campuchia (từ năm 2009). Sau nhiều năm hoạt động, đến nay hệ thống của Sacombank ở nước ngoài gồm 1 chi nhánh, 2 quầy giao dịch tại Thủ đô Viêng Chăn. Đến năm 2011, Sacombank chuyển đổi chi nhánh tại Campuchia thành NH con 100% vốn của NH và có 7 chi nhánh tại Thủ đô Phnôm Pênh và các tỉnh trọng điểm. Các NH khác như BIDV, Vietinbank, SHB... đều đã có văn phòng và chi nhánh tại Lào cũng như Campuchia.

Đến tháng 9-2011, Vietinbank trở thành NH Việt đầu tiên vươn hệ thống của mình sang Đức khi mở chi nhánh tại TP Frankfurt (Đức) và sau đó là thêm nhiều chi nhánh tại các TP khác trên thế giới. Lãnh đạo Vietinbank cho biết đến nay mạng lưới hoạt động ở nước ngoài của NH này gồm 2 chi nhánh tại Đức (Frankfurt và Berlin), 1 chi nhánh và 1 phòng giao dịch tạo Lào và 1 văn phòng đại diện tại Myanmar.

“Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay chi nhánh ở Đức đã hoạt động một cách bài bản, theo tiêu chuẩn của một NH thương mại hiện đại cả về thể chế, nhân sự, công nghệ và cơ sở vật chất tại một thị trường đã phát triển” - lãnh đạo Vietinbank chia sẻ.

Tại Lào, chi nhánh của Vietinbank cũng đạt kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2013, vốn điều lệ của Vietinbank chi nhánh Lào đạt 22 triệu USD, dư nợ đạt 50,4 triệu USD tăng 104,9% so với năm trước. Tổng tài sản hơn 80,2 triệu USD, lợi nhuận 1,1 triệu USD. Dự kiến cuối năm nay, chi nhánh tại Lào sẽ nâng cấp lên thành NH con và Vietinbank đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.

Gặp khó về luật pháp, thông lệ thị trường

Theo ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, không phải đến khi tình hình kinh tế trong nước khó khăn, tín dụng tăng trưởng thấp, NH mới tìm đường ra nước ngoài. Việc mở rộng mạng lưới các chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài nằm trong chiến lược kinh doanh của NH, nhằm tăng sự hiện diện, tăng tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng là các DN Việt ở nước sở tại tốt hơn. Dù vậy, ở thị trường nước ngoài, NH cũng phải cạnh tranh với NH bản địa, NH nước ngoài đặt tại nước bản địa và cả những NH Việt đang hoạt động tại đây.

“Việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là xu hướng tất yếu của các NH thương mại Việt Nam, giúp NH có năng lực thực sự tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, khách hàng, phân tán rủi ro, học hỏi các kinh nghiệm quản trị DN, quản lý rủi ro…,” - đại diện Vietinbank nhận xét.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng việc các ngân hàng Việt Nam mở rộng mạng lưới ở các thị trường ngoại như Lào, Campuchia, Myanmar… nhằm tăng tiện lợi trong thanh toán, dịch vụ cho khách hàng và DN Việt đang đầu tư ở các thị trường này. Hoạt động này, giống như NH các nước Nhật, Hàn Quốc vào Việt Nam để hỗ trợ DN nước họ đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

“Chúng ta hình dung Myanmar đang giống như các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam thời kỳ bùng nổ đầu tư, là môi trường hấp dẫn vốn ngoại. Đây đang là giai đoạn tăng trưởng của Myanmar, các DN, NH có thể tận dụng để phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh. Dù vậy, tính ổn định về chính trị của Myanmar không bằng Việt Nam, chưa kể hệ thống pháp luật chưa phát triển hoàn thiện…” - TS Lê Đạt Chí nhận xét.

Phải kiểm soát dòng tiền

Theo TS Lê Đạt Chí, một điều cần lưu ý là khi các NH đầu tư ra nước ngoài, NH Nhà nước cần phải kiểm soát dòng tiền, sức khỏe tài chính của NH để phòng ngừa rủi ro.

Hơn nữa, NH Việt ra nước ngoài cần cải thiện hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao tiềm lực tài chính… nếu không sẽ khó cạnh tranh được với các NH nước ngoài đang hoạt động tại nước sở tại, một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Người lao động

Sacombank, nhà đầu tư, VietinBank, BIDV, HDBank, nhà đầu tư nước ngoài, quản lý rủi ro, chuyên gia kinh tế, cơ hội kinh doanh, hoạt động đầu tư, ngân


© 2021 FAP
  3,263,719       2/1,544