Công nghệ thông tin

Siết diện tạm hoãn nhập ngũ

90% thanh niên nhập ngũ hiện nay là con em nông dân nên sắp tới sẽ tuyển chọn thêm nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người tốt nghiệp ĐH, CĐ... để bảo đảm công bằng và nâng cao chất lượng quân đội

Tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi ngày 14-8, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời gian nhập ngũ, đối tượng được hoãn hoặc miễn NVQS… đã được đưa ra mổ xẻ.

Thời gian đi NVQS: Còn tranh cãi

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng (quy định hiện hành là 24 tháng và 18 tháng, tùy nhiệm vụ).

Thanh niên TP HCM lên đường nhập ngũẢnh: PHAN ANH
Thanh niên TP HCM lên đường nhập ngũẢnh: PHAN ANH

Để thực hiện phương án này, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp đổi mới công tác tuyển quân nhằm tuyển được nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường ĐH, CĐ để sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp. Ngoài ra, phải nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia NVQS.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết khi tổng kết thực hiện Luật NVQS 2004, các địa phương đề xuất thống nhất thời gian nhập ngũ 24 tháng. Nếu thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng sẽ không đủ để giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu. Hơn nữa, quân đội hiện nay đã được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại nên đòi hỏi phải có đủ thời gian huấn luyện.

“Nếu thời gian tại ngũ 24 tháng thì một năm chỉ tuyển quân một lần, ra quân một lần nên đỡ chi phí, đỡ công sức của chính quyền địa phương. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đa số các nước trên thế giới quy định đi NVQS 2-3 năm, cũng có nước là 21 tháng thì mới đủ thời gian rèn luyện sẵn sàng chiến đấu” - Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn chứng.

Lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn nhập ngũ

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ hằng năm chiếm tỉ lệ lớn đã gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tuyển quân. Một số người đã lợi dụng chính sách này để trốn NVQS.

Dự thảo Luật NVQS lần này quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những người này sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ. Công dân đang học tập hoặc trúng tuyển vào trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu được gọi thì bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành NVQS sẽ tiếp tục học tập.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - đồng tình với đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc chỉ nên tạm hoãn NVQS với sinh viên ĐH hệ chính quy. “Nếu quy định cả hệ tại chức, học ở các cơ sở giáo dục đào tạo từ xa… thì không rõ ràng lắm bởi ai cần xin tạm hoãn đều sẽ làm được hết” - ông Thi nhận định.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, bày tỏ một lo lắng khác: “Rất đông các em sinh viên ĐH, CĐ chính quy vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội, nếu vừa ra trường đã đi NVQS 2 năm ngay thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thời hạn trả nợ. Nên chăng nghiên cứu ân hạn thời gian trả nợ hoặc miễn luôn số tiền vay này khi các em đi NVQS”.

Không đủ tiền nếu tất cả thanh niên đi lính

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, chỉ nên miễn NVQS cho người mắc bệnh tâm thần, sức khỏe không bảo đảm, còn lại đều phải thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng này. “Học ĐH thì tạm thời chưa gọi chứ không phải miễn, học xong thì phải làm NVQS. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhất là với một dân tộc luôn phải tự vệ, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết đưa được tất cả thanh niên đủ tiêu chuẩn vào quân đội thì tốt nhưng gặp vấn đề về kinh phí. “Chi tiêu cho quân đội rất lớn, như bắn súng thì tốn kém lắm, ngân sách của chúng ta không chịu được” - ông lý giải.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, đối tượng được miễn NVQS không nhiều: Cán bộ, công chức, viên chức; thanh niên xung phong đã làm việc 24 tháng trở lên tại vùng sâu, vùng xa hoặc đang làm nhiệm vụ trong lực lượng cơ yếu, công an nhân dân, nghĩa vụ dân quân tự vệ 4 năm, trong đó có 1 năm làm thường trực ở biên giới, trọng điểm về quốc phòng an ninh.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định cán bộ, công chức, viên chức không được miễn NVQS nhưng thời gian qua gần như không tuyển các trường hợp này. Từ năm sau, phải tuyển các đối tượng này để bảo đảm công bằng.

Đề xuất được vận động bầu cử

Chiều 14-8, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về dự án Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND.

Trong quá trình soạn thảo, đã có ý kiến đề nghị nên quy định việc người ứng cử tự mình vận động bầu cử thông qua tiếp xúc cử tri. Ý kiến khác cho rằng không nên quy định hình thức này bởi cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu nên họ không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với người tự ứng cử. Thực tế cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác.

Ban soạn thảo cho rằng để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,269,275       10/882