Tuyển sinh khó khăn, nhiều trường THPT ngoài công lập tại TP HCM phải đóng cửa, không ít trường đang cầm cự nhưng đứng trước nguy cơ giải thể, bán trường
Thông tin từ hội nghị tổng kết năm học bậc trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức ngày 13-8 cho biết TP HCM có 20 trường ngoài công lập hiện chưa có tới 100 học sinh (HS) bậc THPT.
Chật vật tuyển sinh
Năm học 2013-2014, Trường THPT Dân lập Văn Lang (quận 5) chỉ có 88 HS, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (quận 11) không có HS nào, Trường Trung học Việt Mỹ Anh có 24 HS, Trường THPT Phan Huy Ích có 16 HS, THPT Đại Việt có 46 HS… Rất nhiều trường THPT ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng như Trường THPT Hàm Nghi cũng chỉ có 79 HS, Trường THPT Đông Dương cải tạo từ khách sạn nhưng đến nay cũng chỉ có 92 HS.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, cho biết năm học 2014-2015, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 10 lớp 10 nhưng đến nay mới tuyển được 8 lớp.
Nhiều trường dù tổ chức tuyển sinh quanh năm và áp dụng nhiều hình thức để thu hút HS như giảm học phí; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ nhưng vẫn khó trong tuyển sinh. Chẳng hạn, Trường Tiểu học - THCS - THPT Chu Văn An (quận Bình Tân) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012 với kinh phí đầu tư không nhỏ, khuôn viên rộng 7.000 m2 nhưng đến nay chỉ có 300 HS theo học ở cả 3 cấp.
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận Gò Vấp cho hay mục đích ban đầu khi mở trường là đầu tư vào bậc THPT nhưng tuyển sinh khó quá khiến trường phải chuyển hướng sang bậc mầm non, bậc học đang khan hiếm chỗ học. “Lấy cái nọ bù cái kia chứ nếu không thì rất khó cầm cự” - vị hiệu trưởng này nói.
Chưa có lối ra
Giảm học phí, tăng cường về các địa phương tuyển sinh là cách mà nhiều trường ngoài công lập đang làm nhưng bức tranh vẫn hết sức ảm đạm. Nhiều trường tư có thương hiệu tại TP HCM đã phải giảm yêu cầu đầu vào.
Theo hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập, năm học 2014-2015, các trường tư tiếp tục chới với khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lên đến 87% HS tốt nghiệp lớp 9. Với khoảng 12.000 HS không được vào trường công nhưng chia đều cho 86 trường ngoài công lập trên địa bàn TP thì số tuyển sinh được cũng rất ít. Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), đó là chưa kể HS còn vào học các hệ giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề.
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại quận Bình Tân kể lại câu chuyện buồn: Vì trót hợp đồng với giáo viên tiếng Anh người nước ngoài về trường giảng dạy nhưng do không tuyển sinh được, không có lớp dạy, hằng tháng vẫn phải trả lương cho giáo viên này nên không còn cách nào khác là mỗi buổi chiều, trường cử một giáo viên chở người thầy nước ngoài này đến trung tâm dạy thêm để… bù lỗ.
Nguy cơ phải bán trường
Đại diện nhiều trường THPT ngoài công lập cho biết không những tuyển sinh vất vả mà nhiều trường còn có nguy cơ giải thể, bán trường do quá khó khăn.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho thấy do hoạt động không hiệu quả nên nhiều trường THPT ngoài công lập phải ngừng hoạt động như Trường Tư thục Hiền Vương, Trường THCS - THPT Hoàng Diệu trong 2 năm chỉ tuyển sinh được 20 HS. Qua các đợt kiểm tra, sở tiếp tục đình chỉ tuyển sinh, rút giấy phép đối với 2 trường là Dân lập Phương Nam (quận Thủ Đức)và THCS - THPT Khai Trí (quận 5).
ngoài công lập, trường ngoài công lập, chỉ tiêu tuyển sinh, trường tư thục, trung cấp chuyên nghiệp, trường tiểu học, đình chỉ tuyển sinh, giáo viên t