Công nghệ thông tin

Phụ thuộc lương tháng và lương tâm

Tiền lương không bảo đảm cuộc sống nên nhiều người buộc phải xoay xở để có thêm thu nhập, trong đó có những thu nhập không chính đáng, bất hợp pháp dựa vào quyền hạn của công chức

Sự chuyên nghiệp, trong sạch của cán bộ, công chức là nền tảng của bộ máy nhà nước vững mạnh. Mặt tích cực liên quan đến công chức là cơ bản nhưng bên cạnh đó, những tiêu cực mà nạn phong bì là điển hình cũng thường gắn liền với các cơ quan công quyền.

Ăn quen, nhịn không quen

Với mặt bằng tiền lương như hiện nay thì thu nhập của cán bộ, công chức quả là khiêm tốn. Để giữ được mình, lương tâm không bị cắn rứt vì làm những điều sai trái, tham nhũng, tiêu cực… là thử thách luôn đặt ra cho những công chức chân chính.

Đồng lương khiêm tốn, không ít người phải bằng nhiều cách để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, không thể vin vào lý do đó mà tìm cách tăng thu nhập bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và đánh mất cả tính nhân văn, nhân bản vốn có của một con người lương thiện. Có những công việc, đối với một cán bộ, công chức có lương tâm chỉ cần giải quyết trong vòng một buổi, thậm chí vài chục phút nhưng đối với một số người thì đây là cơ hội để họ vòi vĩnh bằng cách gây khó dễ. Những người dân còn khó khăn hoặc kiên quyết không chịu chung chi thì chấp nhận bị hành nhưng cũng có người cho qua, đưa phong bì để công việc được trôi chảy. Từ đó tạo ra sự “ăn quen” của một số công chức thoái hóa.

Người dân luôn đòi hỏi thái độ phục vụ tận tụy của cán bộ, công chức Ảnh: TẤN THẠNH
Người dân luôn đòi hỏi thái độ phục vụ tận tụy của cán bộ, công chức Ảnh: TẤN THẠNH

Bên cạnh đó, có những điều tưởng chừng như phi lý nhưng nhiều người cố làm bằng được, phần vì vô cảm, phần vì muốn có phong bì. Khi làm việc với người dân thì mặt lạnh như tiền, dân hỏi thì hất hàm, trả lời cộc lốc. Cán bộ chỉ đáng tuổi con cháu với người dân mà nói năng kênh kiệu, nét mặt không có chút biểu cảm, như một cái máy… Ấy vậy nhưng khi có phong bì thì lại tươi tắn, hồ hởi, sốt sắng ngay.

Mới đây, bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đã nói với báo chí rằng: “Cũng nên giáo dục một quan điểm ngay từ đầu, từ nhỏ: Anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm. Làm quan chức mà để mong giàu có thì phải trị ngay cái tư tưởng đó”. Ý kiến này nhìn từ  góc độ của một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp là rất chính xác nhưng sẽ thuyết phục hơn khi người công chức, viên chức của chúng ta có đồng lương đủ sống để dồn hết tâm sức phục vụ người dân trong công việc mà mình được tuyển chọn, sử dụng.

Biết nhục mà vẫn đòi!

Trong sự đan xen, mâu thuẫn giữa bản chất của công chức mà một bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh cần có với những nhu cầu rất đời thường của mỗi con người, để làm được một công chức đúng nghĩa quả là không dễ. Phải nhìn thẳng vào sự thật và nói với nhau một cách “đời thường” là giữa sự cám dỗ, sức hấp dẫn của đồng tiền và đồng lương ít ỏi là ranh giới khá mong manh.

Vị lãnh đạo của một cơ quan công quyền, nay đã nghỉ hưu, từng bộc bạch rằng: Thật lòng là khi nhận cái phong bì của cơ sở cho nhân dịp gì đó tuy không phải là tiền chạy chọt hay hối lộ nhưng vẫn “cảm thấy nhục lắm chứ!”nhưng nghĩ đến chuyện ngày mai lo tiền học cho con, tiền chữa bệnh cho mẹ già... mà đành tặc lưỡi đưa tay nhận.

Mức lương của công chức quá thấp so với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tiền lương không bảo đảm cuộc sống nên nhiều người buộc phải xoay xở để có thêm thu nhập, trong đó có những thu nhập không chính đáng, bất hợp pháp, dựa vào quyền hạn của công chức.

Chuyện cấm nhận phong bì đối với cán bộ, công chức khi thi hành công vụ ở TP Hội An nếu suy rộng ra cả nước, không đơn thuần chỉ là một chủ trương, biện pháp của một địa phương mà cái chính là phải giải quyết được cốt lõi của vấn đề: “Bao giờ cán bộ, công chức sống được nhờ lương?”. 

Lương thấp nhưng vẫn giàu

Một nghịch lý không khó nhận ra là tuy lương không đủ sống nhưng rất nhiều công chức rất giàu. Chúng ta không đi thẳng vào tìm nguyên nhân, nguồn cội của những nghịch lý đó mà cứ mãi “đẩy mạnh cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, chống tham nhũng, lãng phí...” hết năm này đến năm khác. Cứ để tình trạng này kéo dài mà không đi vào giải quyết căn nguyên của vấn đề thì sẽ tiếp tục tồn tại một bộ phận công chức làm giàu bất chấp thủ đoạn, làm băng hoại giá trị đạo đức trong xã hội.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,279,816       4/884