Dự báo đến 4 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão cách TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khoảng 90 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15-16
Để đối phó với bão Thần Sấm, chiều 18-7, các đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát dẫn đầu, đã chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.
Bảo đảm tính mạng người dân
Đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, cho biết tỉnh Quảng Ninh sẽ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tâm bão dự báo đổ bộ vào TP Móng Cái.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là cơn bão rất mạnh, siêu bão và phức tạp. Dự báo khi vào bờ, sức gió mạnh giật tới cấp 14-15 là rất nguy hiểm cho người dân và các công trình. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc nhất.
Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới Hải Phòng, Quảng Ninh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo chống bão. Tại các điểm đến, đoàn công tác của Phó Thủ tướng đã kiểm tra công tác neo đậu trú tránh tàu thuyền, thị sát việc chằng chống nhà cửa của người dân vùng ven biển. Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền, lãnh đạo địa phương tiếp tục các phương án cần thiết, huy động tối đa lực lượng giúp đỡ người dân, tuyệt đối không được chủ quan vì dù có đổ bộ vào đâu thì sức ảnh hưởng và mưa kèm bão sẽ có những tác động rất khó lường.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dự báo đến 4 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão cách TP Móng Cái khoảng 90 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12-13 (tức từ 118 - 149 km/giờ), giật cấp 15-16. Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Như vậy, sáng 19-7, vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung, sau đó đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 15-16.
Lập nhiều đoàn công tác, sở chỉ huy
Tại Quảng Ninh, công tác phòng chống bão đã được triển khai rất khẩn trương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tập trung chỉ đạo công tác chống bão; các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn thường trực 100% quân số để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cũng đã lập 3 sở chỉ huy tiền phương tại văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thị xã Quảng Yên và TP Móng Cái để ứng trực chống bão. 60 ô tô các loại, 30 tàu thuyền, ca nô và các phương tiện chuyên dùng của quân đội cũng đã sẵn sàng nhận lệnh.
Đến 18 giờ ngày 18-7, đã kêu gọi được toàn bộ 229 tàu cá tuyến khơi; 8.471 tàu đánh cá công suất nhỏ; 464 tàu thuyền du lịch, vận tải hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long về neo đậu ở nơi tránh trú bão an toàn... Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức di chuyển 2.230 người già, phụ nữ, trẻ em sinh sống trên các lồng bè ở vịnh Hạ Long về nơi trú ẩn an toàn. 1.360 khách du lịch ở huyện Cô Tô và đảo Quan Lạn, Minh Châu, huyện Vân Đồn về đất liền an toàn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện còn lại 232 khách du lịch đang lưu trú tại các đảo nhưng cũng đã được bố trí chỗ ở an toàn nhất.
Tại Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã tổ chức 6 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão tại các địa phương trọng điểm. Hải Phòng cũng đã điều động tàu CN09 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tàu SAR của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà. Huy động hơn 39.000 người là lực lượng xung kích hộ đê, PCLB và TKCN; chuẩn bị hàng trăm ô tô, phương tiện, vật tư các loại để chống bão.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng, đến 16 giờ ngày 18-7, tất cả các phương tiện đã về bến neo đậu, gồm: 3.647 phương tiện tàu thuyền với 12.606 lao động đã neo đậu tại bến; 521 bè với 1.428 người neo đậu tại Cát Bà. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức sơ tán tổng cộng 10.410 người ở các khu vực nguy hiểm về nơi an toàn...
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa đã ra lệnh cấm biển từ sáng 18-7.
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Trưa 18-7, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia TKCN có công điện gửi Ban chỉ huy PCLB - TKCN 24 tỉnh, thành cùng các bộ - ngành liên quan yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; triển khai công tác phòng chống lũ, kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét... để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò... để hướng dẫn người, phương tiện qua lại; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Trong tối 18-7, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có công điện gửi thủ trưởng các tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; giám đốc công an, PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chủ động tăng cường đối phó với cơn bão Thần Sấm...
V.Duẩn-N.Quyết
Trung Quốc: Bão mạnh nhất 40 năm qua
Siêu bão Rammasun đổ bộ vào thành phố Văn Xương, thuộc tỉnh đảo Hải Nam - Trung Quốc chiều 18-7 làm ít nhất 1 người thiệt mạng và gây lở đất nghiêm trọng ở vùng ven biển phía Nam. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Quốc (NMC) cho hay cơn bão mang tên Thần Sấm với sức gió lên tới 216 km/giờ này là siêu bão mạnh nhất tấn công quốc gia đông dân nhất thế giới trong vòng hơn 40 năm qua, sau khi càn quét nước láng giềng Philippines và cướp đi sinh mạng của ít nhất 54 người.Th.Hằng