Thể thao

Trung Quốc: Không phải cứ muốn là được!

Dù chỉ là một trận giao hữu nhưng thất bại 0-2 trước U.22 Việt Nam ngay trên sân nhà đã làm dậy sóng Trung Quốc. Cổ động viên bày tỏ sự giận dữ: "Còn ai mà chúng ta không thể thua?", trong khi báo chí nhắc lại lời của cựu đội trưởng Fan Zhiyi sau VCK U.23 châu Á năm ngoái ở Hàng Châu mà U.23 Việt Nam lên ngôi á quân, còn đội chủ nhà bị loại ngay từ vòng bảng: "Nếu không cẩn thận, bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt Trung Quốc".

Dù chỉ là một trận giao hữu nhưng thất bại 0-2 trước U.22 Việt Nam ngay trên sân nhà đã làm dậy sóng Trung Quốc. Cổ động viên bày tỏ sự giận dữ: “Còn ai mà chúng ta không thể thua?”, trong khi báo chí nhắc lại lời của cựu đội trưởng Fan Zhiyi sau VCK U.23 châu Á năm ngoái ở Hàng Châu mà U.23 Việt Nam lên ngôi á quân, còn đội chủ nhà bị loại ngay từ vòng bảng: “Nếu không cẩn thận, bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt Trung Quốc”.

U22 Việt Nam (áo trắng) chơi lấn lướt hoàn toàn so với thầy trò HLV Guus Hiddink
U22 Việt Nam (áo trắng) chơi lấn lướt hoàn toàn so với thầy trò HLV Guus Hiddink

So sánh ẩn dụ ấy đã trở thành sự thật, chưa đầy 1 năm qua, các đội tuyển trẻ Trung Quốc đã 3 lần bại trận trước Việt Nam. Xem U.22 Trung Quốc được dẫn dắt bởi HLV lừng danh Hiddink với tham vọng giành vé dự Olympic 2020, người ta không tin nổi những ngôi sao trẻ xuất sắc nhất của đất nước 1,5 tỷ người lại… dở đến vậy.

Là quốc gia đông dân nhất, có nền kinh tế thứ 2 thế giới, siêu cường các môn thể thao Olympic, nhưng kỳ lạ thay, Trung Quốc vẫn bất lực với môn túc cầu. Lần cuối cùng mà họ xuất hiện ở World Cup đã 17 năm vẫn chưa trở lại, thành tích cao nhất là vị trí á quân châu Á cách đây 15 năm (Asian Cup 2004) và HCĐ Asiad đã hơn 2 thập kỷ.

Hàng tỷ USD đã được đổ ra, các ngôi sao lớn của châu Âu và Nam Mỹ từ Drogba, Oscar, Hulk, Lavezzi, Ramirez, Tevez… đến những chiến lược gia lừng lẫy Lippi, Scolari, Stojkovic, Cannavaro, Pereira, Coleman, Benitez vượt “con đường tơ lụa” tìm đến xứ Trung Hoa với mức lương ngất ngưởng (Tevez nhận 40 triệu euro/năm, hơn cả Messi và Ronaldo cộng lại, còn lương của HLV tuyển Trung Quốc Lippi, người từng đưa Italy vô địch World Cup 2006 là 22 triệu euro/năm).

Năm 2016, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra “Đại dự án” mang tên “Chương trình cải cách và phát triển bóng đá Trung Quốc”. Theo đó, để đến năm 2020 bước lên ngôi vị số 1 châu lục, năm 2030 đăng cai World Cup, đăng quang vô địch và năm 2050 trở thành siêu cường bóng đá thế giới, một kế hoạch chi tiết với 50 điểm chính và những chỉ tiêu rất cụ thể đã được đề ra. Thậm chí, một kế hoạch lạ thường được Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc thực hiện, đó là tập trung 55 tuyển thủ U.25 tham gia một đợt huấn luyện theo phong cách quân sự, nhằm… nâng cao ý thức thi đấu vì danh dự quốc gia.

Tuy nhiên, tham vọng xưng bá làng túc cầu thế giới duy ý chí đã nhanh chóng bị tạt gáo nước lạnh. “Siêu giải đấu” Chinese Super League chỉ là hư danh, còn đội tuyển Trung Quốc đã 4 kỳ World Cup liên tiếp làm khán giả. Thế hệ cầu thủ sau lại dở hơn thế hệ trước, nền bóng đá ngày càng đi xuống. Thừa tiền, thừa những lời hô hào quyết tâm, nhưng bóng đá Trung Quốc vẫn mắc kẹt trong mộng bá quyền của mình.

Cũng như tham vọng chinh phục vũ trụ hay những yêu sách vô lối ở Biển Đông, bóng đá cho Trung Quốc bài học: Không phải cứ muốn là được!

Đông Kha

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,003,919       3/601