73 năm trước, tháng 3-1946, khi đất nước mới chỉ giành được độc lập và vừa trải qua nạn đói Ất Dậu kinh hoàng, trong bối cảnh "cơm không đủ no, áo không đủ mặc", nghèo nàn, lạc hậu; thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục.
73 năm trước, tháng 3-1946, khi đất nước mới chỉ giành được độc lập và vừa trải qua nạn đói Ất Dậu kinh hoàng, trong bối cảnh “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, nghèo nàn, lạc hậu; thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”, và Bác đúc kết giản dị: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”!
Bác Hồ - tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe |
Đó là bài học nêu gương của người lãnh đạo. Chính Bác là tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe. Việc tập luyện đã trở thành nếp sống của Người. Từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp trong rừng sâu, núi cao gian khổ, Bác vẫn tập luyện rất đều đặn, dù trời mưa cũng như ngày lạnh. Ngày nào Bác cũng dậy rất sớm, đi đến các lán đánh thức mọi người cùng tập thể dục. Tập xong thì tắm suối, lạnh mấy cũng tắm, rồi tăng gia và sau đó mới bắt tay vào công việc. Không chỉ thể dục thông thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rèn luyện tạ, nhảy dây, khí công, quyền thuật, đi bộ, chạy, bóng chuyền... tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Những năm sau này khi tuổi thêm cao, sức khỏe không được như trước, nhưng sáng nào Bác cũng tập Thái cực quyền và đi bộ trong vườn Phủ Chủ tịch. Nghiện thuốc lá nặng nhưng ngoài 70 tuổi, Bác Hồ vẫn kiên quyết bỏ thuốc lá, giữ vững chế độ tập luyện, sinh hoạt hằng ngày với bài tập ném bóng quần vợt vào sọt.
“Tự tôi ngày nào cũng tập” - chỉ thế thôi nhưng bằng ngàn vạn lần lời hô hào, kêu gọi!
Trần Đỗ