Thể thao

Ánh Viên, sao thế?

Kể từ sau Olympic 2016 ở Brasil, suốt hơn 2 năm qua kình ngư số 1 Việt Nam tụt dốc không phanh và thành tích tại Giải vô địch bơi lội thế giới 2019 ở Hàn Quốc vừa qua đã hầu như chạm đáy, báo động.

Ở 200m hỗn hợp, nội dung Ánh Viên từng vào bán kết năm 2015, cô chỉ về đích với thời gian 2’17”79, kém xa so với thành tích 2’13”36 ở giải 2017. Còn ở 400m tự do (nằm trong tốp 10 vòng loại) cô cũng chỉ đạt 4’13”35, kém rất xa so với kỷ lục của bản thân (4’7”96). Cuối cùng trong cự ly sở trường 400m hỗn hợp, nội dung mà tại Olympic Rio 2016, Ánh Viên từng về đích thứ 9 vòng loại với thành tích xuất thần 4’36”85, tuy nhiên lần này cô phải mất đến 4”47”96, kém tới 5”15 so với ở Asiad 1 năm trước. Không chỉ không đạt cả chuẩn B tham dự Olympic 2020 (4’46”89), đây còn là thành tích tệ nhất của tay bơi Cần Thơ trong 6 năm qua, thậm chí còn kém đến gần 1 giây so với thành tích “tệ” nhất của cô khi mới 17 tuổi ở Giải vô địch thế giới năm 2013.

Cơ hội đến Tokyo 2020 với Ánh Viên vẫn còn với các giải đấu thuộc FINA World Cup và cả SEA Games 2019 (cũng được tính vào hệ thống vòng loại Olympic). Tuy nhiên, với phong độ thất vọng này ngay cả việc bảo vệ 7 tấm HCV SEA Games tại Philippines cuối năm nay của nữ kình ngư cũng hết sức khó khăn. Vẫn biết con người không phải cỗ máy nhưng Ánh Viên mới 23 tuổi, độ tuổi “chín” của một nữ VĐV bơi. Ngay sau khi kết thúc Giải vô địch thế giới, Ánh Viên quay lại Mỹ tập luyện. Người ta đang hoài nghi khoản kinh phí lên đến 220 ngàn USD/năm (hơn 5 tỷ đồng gồm 180 ngàn USD của Tổng cục TDTT và 40 ngàn USD của ngành TDTT quân đội) cho Ánh Viên tập huấn quanh năm tại đây có lãng phí khi HLV Đặng Anh Tuấn từ lâu đã tới giới hạn năng lực chuyên môn, chỉ đóng vai trò “người anh tinh thần”, còn HLV người Mỹ được thuê thì đến ngay ông Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ cũng cho biết là “không ai đánh giá được về trình độ” (!?).

Dương Cầm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,159,472       1/1,789