Thể thao

Cao tay ấn như thầy Park

Ngay giới chuyên môn và truyền thông trong nước vốn theo dõi sát sao đội nhà cũng bối rối, không thể đoán định được ý đồ sử dụng lực lượng tại kỳ Asiad này của HLV Park Hang Seo, chứ đừng nói các đối thủ.

3 trận vòng bảng của Olympic Việt Nam hầu như là 3 đội hình khác nhau. Chỉ có 6 cái tên được cố định là thủ môn Bùi Tiến Dũng, 3 trung vệ Đình Trọng, Tiến Dũng, Duy Mạnh cùng Văn Thanh và Quang Hải; 5 vị trí còn lại, đặc biệt là tiền vệ trung tâm và cặp tiền đạo - xương sống thế công - đều được luân phiên. Trước Pakistan là Xuân Trường, Công Phượng, Anh Đức; với Nepal là Đức Huy, Hùng Dũng, Văn Đức, Anh Đức và gặp Nhật Bản là Văn Quyết, Văn Toàn, Đức Chinh. Hiếm có một đội bóng mà ở một giải đấu chính thức ngắn ngày qua 3 trận đã sử dụng đến 17/20 cầu thủ (ngoài thủ môn dự bị Văn Hoàng chỉ có 2 cầu thủ chưa ra sân là hậu vệ Văn Lợi và tiền vệ Minh Vương).

Liên tục thay đổi, xoay tua như vậy nhưng vẫn không làm rối loạn đội hình, Olympic Việt Nam vẫn có được sự ổn định, ăn ý. Đặc biệt những nhân tố mới đều mang đến sự đột biến như Văn Đức, Văn Toàn. Với lực lượng đầy đặn hơn nhờ có 3 cầu thủ trên 23 tuổi tăng cường, so với VCK U.23 châu Á Xuân Trường, Công Phượng không còn là “bất khả xâm phạm” khi không có phong độ tốt, ngoài ra một thay đổi rất thành công của ông Park là kéo Quang Hải vào đá tiền vệ trung tâm. Thử nghiệm này chưa phát huy ở Vinaphone Cup do Hải chưa quen với vai trò mới nhưng vào giải đã rất thành công. Cả 3 trận vòng bảng Quang Hải đều chơi rất xuất sắc, ngoài 2 pha lập công còn có rất nhiều đường chuyền hiểm hóc, trở thành nhân tố quan trọng nhất.

Ngoài tài dụng quân trên cơ sở biết người biết ta, tùy cơ ứng biến của chiến lược gia người Hàn Quốc, các tuyển thủ U.23 cũng cho thấy sự trưởng thành, lớn hơn rất nhiều so với thời điểm lên ngôi á quân U23 châu Á hồi đầu năm. Kinh nghiệm trận mạc hơn, lối chơi biến hóa và đa dạng hơn. Olympic Việt Nam có thể chơi nhuần nhuyễn tất cả những sơ đồ, từ 3-4-3, 3-5-2, 4-5-1 đến 5-4-1 tùy từng đối tượng, từng giai đoạn, từng hoàn cảnh của mỗi trận đấu. Họ biết lúc nào dồn lên, lúc nào co lại, đảm bảo nghiêm túc chiến thuật, con người và lối chơi mà HLV đề ra. Điển hình là trận thắng Nhật Bản, đội quân của ông Park chơi với 2 chiến thuật rõ rệt trong 2 hiệp. Nhập cuộc chủ động pressing, đẩy cao đội hình chơi tấn công và áp đặt thế trận khiến đối phương bất ngờ, rồi chuyển sang chơi cửa dưới, phòng ngự phản công. Sự trưởng thành rõ rệt nhất là bộ 3 trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Dũng, hàng phòng ngự chính là điểm tựa thành công của Olympic Việt Nam.

Đông Kha

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,154,096       1/259