4 tiếng sau khi Uruguay bị loại, đến lượt đại diện Nam Mỹ duy nhất còn sót lại, đồng thời là ứng cử viên số 1 của chức vô địch Brasil cũng ngậm ngùi chia tay World Cup 2018. Kazan trở thành mồ chôn của 2 "ông lớn" Nam Mỹ, đúng 1 tuần trước Argentina của Messi cũng "chết" tại đây.
4 tiếng sau khi Uruguay bị loại, đến lượt đại diện Nam Mỹ duy nhất còn sót lại, đồng thời là ứng cử viên số 1 của chức vô địch Brasil cũng ngậm ngùi chia tay World Cup 2018. Kazan trở thành mồ chôn của 2 “ông lớn” Nam Mỹ, đúng 1 tuần trước Argentina của Messi cũng “chết” tại đây.
Đây là lần thứ 5 vòng bán kết Cúp thế giới chỉ gồm toàn các đại diện châu Âu và đó đều là các kỳ World Cup diễn ra tại lục địa già: Giải lần thứ 2 vào năm 1934 ở Italy (Italy, Tiệp Khắc, Đức, Áo chia nhau 4 hạng đầu), Anh 1966 (Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Liên Xô), Tây Ban Nha 1982 (Italy, Đức, Ba Lan, Pháp) và lần gần nhất là tại Đức 2006 (Italy, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha).
Thực tế, trong lịch sử chỉ mới có Brasil là đội ngoài châu Âu duy nhất nâng cúp vô địch trên đất châu Âu tại Thụy Điển 1958, đặc biệt đó lại lần xưng vương đầu tiên của Selecao (thắng chính chủ nhà 5-2 ở trận chung kết). Ngược lại, cũng chỉ có một đội châu Âu duy nhất đăng quang ở châu Mỹ là Đức 4 năm trước ở Brasil. Sự “suy thoái” của bóng đá Nam Mỹ không phải đến bây giờ mà trong 4 kỳ World Cup gần nhất chỉ có duy nhất Argentina vào đến chung kết năm 2014, nhưng đó là kỳ World Cup diễn ra tại Nam Mỹ.
Kể từ World Cup 1974 đến nay, trong 48 lượt các đội vào bán kết, có 36 lượt đội châu Âu, chiếm tỷ lệ 75%. Điều này khẳng định, World Cup vẫn là sân chơi của Lục địa già. Nam Mỹ chỉ chiếm 11/48 lượt (23%), trong khi châu Á có 1 lần, của Hàn Quốc năm 2002 (2%). Đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp nhà vô địch thế giới là một đội châu Âu.
Dương Cầm