Không có gì nhiều để nói về trận khai mạc quá chênh lệch nên hình ảnh ấn tượng nhất với tôi lại là... trên khán đài SVĐ Luzhniki. Sau bàn thắng thứ 3 của đội tuyển chủ nhà, ống kính truyền hình bắt cận 3 VIP
: Thái tử Ả rập Xê út Mohamed Bin Salman giơ 2 tay lên trời như “lạy thánh Allah”, Tổng thống Nga Putin vỗ tay rồi quay sang Thái tử xòe 2 bàn tay, nhún vai như phân trần: “Tôi có muốn thắng thêm đâu, nhưng biết làm sao?!”, còn Chủ tịch FIFA Gianni Infantino ngồi giữa như trung gian hòa giải: “Tôi biết nói gì đây?”.
Hình ảnh ấy làm tôi nhớ lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - một người rất mê bóng đá, nói với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong chuyến thăm Thái Lan hồi tháng 8 năm ngoái: “Việt Nam chỉ cạnh tranh
với Thái Lan về bóng đá, còn lại 2 nước cần hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”. Không phải vô cớ mà 8 năm trước Nga “quyết đấu” với Mỹ, Nhật, Australia rồi “chung kết” với Anh cùng 2 liên minh Hà Lan/ Bỉ, Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha để giành quyền lần đầu tiên đăng cai World Cup và đổ ra 14 tỷ USD cho công tác tổ chức - kinh phí cao nhất trong lịch sử. Nếu nói công lớn nhất của Putin là khôi phục vị thế và niềm tự hào của nước Nga thì World Cup là cơ hội không thể tốt hơn để nâng cao hơn nữa. Bởi, bóng đá không chỉ là câu chuyện 22 cầu thủ đuổi theo một trái bóng mà còn là chính trị - xã hội, vị thế quốc gia, tự tôn dân tộc (hãy xem ngày về của U.23 Việt Nam sau chức á quân châu Á). Thậm chí, nó có thể gây ra cả chiến tranh như “cuộc chiến 100 ngày” vào năm 1969 giữa El Salvador và Honduras bùng phát sau trận đấu giữa đội tuyển 2 nước ở vòng loại World Cup 1970.
Lại liên tưởng đến scandal gây sốc, Tây Ban Nha “trảm tướng” ngay trên đất Nga chỉ ngày trước thềm World Cup và 48 giờ trước trận ra quân quan trọng với Bồ Đào Nha, nếu đội tuyển nước này thất bại, hãy tin đi ông HLV “phản bội” Lopetegui và ngài Chủ tịch Perez “đi đêm” của Real Madrid sẽ lên đoạn đầu đài, trở thành tội đồ quốc gia.
Minh Chung