Thể thao

VCK Asian Cup 2019: chờ cái duyên Tây Á

Không có gì bất ngờ hay phải ngạc nhiên khi Việt Nam rơi vào bảng đấu với cả 3 đối thủ Tây Á: Iran, Iraq, Yemen, bởi trong 24 đội tuyển dự VCK Asian Cup 2019 có đến 11 đại diện đến từ khu vực này.

Thực ra, chính các đội tuyển Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Trung Á như: Uzbekistan và Australia mới là đối thủ mà bóng đá Việt Nam ngán ngại, kỵ “jeu” nhất trong quá khứ, còn với các đội bóng thuộc khối Ả rập chúng ta rất có duyên vì “dễ đá” hơn.

Trong những cuộc đối đầu 10 năm qua, Việt Nam không ít lần giành được những kết quả tốt. Ở Asian Cup 2007 trên sân nhà, dưới sự dẫn dắt của HLV A.Riedl đội tuyển Việt Nam đánh bại UAE 2-0, hòa Qatar 1-1 để lần đầu tiên vào tứ kết và chỉ chịu thua 0-2 trước Iraq, đội sau đó đăng quang vô địch. Tại Asiad 2010, đội tuyển Olympic Việt Nam của HLV Phan Thanh Hùng đánh bại Bahrain 3-1, chỉ thua Iran sít sao 0-1, giành vé vào vòng 1/8. Đến Asiad 2014, Olympic Việt Nam của HLV Miura quật ngã Iran 4-1, chỉ dừng bước sau thất bại trước UAE 1-3 ở vòng 1/8. Chính tại Asian Cup này, ở vòng loại thứ 2, tuyển Việt Nam từng suýt thắng Iraq tại Mỹ Đình nếu Công Vinh không bỏ lỡ một cơ hội mười mươi và bị quả 11m ở phút 90+4, vào vòng loại thứ 3 lại cầm hòa Jordan trong cả 2 lần đối đầu. Và gần nhất, trong hành trình viết nên kỳ tích lịch sử ở VCK U.23 châu Á 2018, thầy trò HLV Park Hang-seo đã lần lượt cầm hòa Syria 0-0 ở vòng bảng, loại cả Iraq và Qatar ở tứ kết và bán kết.

Vẫn biết ở sân chơi đỉnh cao châu Á với cấp độ đội tuyển quốc gia là câu chuyện khác, nhưng lịch sử đối đầu trong quá khứ sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin cho đội tuyển Việt Nam, đặc biệt nếu lại đến UAE với tư cách nhà tân vô địch Đông Nam Á 20 ngày trước đó.

Phương Duy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,078,190       1/907