Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, trong những ngày này, nhiều nhà, nhiều người đang rộn ràng chuẩn bị đón Xuân thì cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) vẫn miệt mài lo phòng, chống cháy rừng đang bước vào mùa cao điểm.
Cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thăm, tặng lịch cho các hộ dân sinh sống trong đất lâm phận. Ảnh: H.Đình |
Trong nhiều ngày qua, nắng nóng bắt đầu gay gắt, tại các phân trường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc như: Núi Le, Gia Huynh, Gia Phu, Đầm Voi, Láng Cát, Trảng Táo… đang bước vào mùa rụng lá, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
* Bảo vệ an toàn cho cánh rừng mùa xuân
Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh cho biết, rừng phòng hộ Xuân Lộc thuộc cực Nam - Trung bộ nên mùa nắng kéo dài, mùa mưa rất ngắn. Hằng năm, cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán lại xuất hiện những đợt nắng nóng kèm theo lốc xoáy dẫn đến nguy cơ cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp độ 4, 5. Đây là những cấp độ cháy rừng nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, hiện nay đơn vị đang quản lý gần 10,4 ngàn hécta rừng, trong đó có khoảng 10 ngàn hécta thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, số còn lại thuộc huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Trong số 10,4 ngàn hécta rừng có trên 9,3 ngàn hécta đất rừng hợp tác liên kết trồng rừng và giao khoán cho hộ gia đình; số còn lại đơn vị tự tổ chức sản xuất, bao gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất với các loại cây như: sao, dầu, keo lai, gõ đỏ, giáng hương... |
Cũng theo ông Mạnh, đến nay tất cả các lô rừng thuộc 6 phân trường của đơn vị quản lý đều đã được xử lý thực bì và cày đường băng cản lửa để phân cắt các lô rừng phòng ngừa cháy lan, cháy lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt cho công tác phòng, chống cháy rừng, trong những ngày qua, tất cả lực lượng, thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy của đơn vị đều đặt trong trạng thái trực sẵn sàng 24/24, với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).
Tại các phân trường như: Láng Cát, Đầm Voi và Gia Phu, để chủ động cho công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2020, trong những ngày qua, tất cả mọi nguồn lực, vật lực, phương tiện cần thiết đang được các đơn vị huy động, tập trung tối đa để triển khai cho công tác phòng, chống cháy.
Theo đó, các phân trường này đều duy trì nghiêm việc trực gác chòi canh lửa và tuần tra mặt đất để kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp người dân ra, vào rừng sử dụng lửa để hút thuốc, bắt ong, bắt rắn…
* Ăn Tết trong rừng
Mặc dù ngày Tết đã đến rất gần, ai nấy cũng đều muốn trở về bên gia đình, người thân, thế nhưng với trách nhiệm được giao, những “người lính” giữ rừng luôn sẵn sàng gác lại hạnh phúc cá nhân, ngày đêm âm thầm tuần tra, canh gác để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng vào mùa xuân.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn (ngụ xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), nhân viên bảo vệ rừng tại Phân trường Láng Cát tâm sự, mặc dù nơi ông công tác chỉ cách nhà khoảng 10km thế nhưng trong 32 năm công tác tại đơn vị cũng là 32 năm ông đón Tết trong rừng, không được đón giao thừa bên gia đình, người thân.
“Những năm đầu về đây công tác, tôi cũng cảm thấy buồn lắm nhưng riết rồi cũng quen. Vì ở lại trực Tết cũng được đơn vị chuẩn bị chu đáo. Vào những ngày cận Tết, anh em trong phân trường chia ca nhau đi tuần tra rừng, một vài người còn lại thì làm nhiệm vụ bày trí bàn thờ Bác Hồ, mâm ngũ quả, có năm thì gói bánh chưng, có năm gói bánh tét. Trong 3 ngày Tết, anh em trong đơn vị cũng họp mặt chúc Tết nhau và đi chúc Tết người dân sinh sống trong khu vực lâm phận mình quản lý” - ông Tuấn cho hay.
Nhân viên Phân trường Gia Phu Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đốt xử lý thực bì để phòng, chống cháy lan, cháy lớn |
Ông Hoàng Văn Thuyên, người dân nhận khoán đất rừng tại Phân trường Gia Phu chia sẻ: “Người dân với anh em trong phân trường xem nhau như người thân. Tết nào bà con chúng tôi cũng rủ nhau đến phân trường chúc Tết. Các anh em, cán bộ đi tuần tra rừng cũng ghé ngang gia đình chúng tôi để thăm, chúc Tết; đồng thời nhắc nhở bà con vui Xuân nhưng cũng không chủ quan trong phòng, chống cháy rừng”.
Ông Phan Duy Thường, Phân trường trưởng Phân trường Gia Phu cho hay, do đặc thù công tác phải lưu trú trong rừng nên anh em tại các phân trường đều tổ chức tăng gia sản xuất như: trồng rau xanh, chăn nuôi gà vịt, nuôi heo rừng…, nhờ vậy đón Tết trong rừng nhưng nguồn thực phẩm phục vụ những ngày Tết cũng cơ bản được đáp ứng đủ. Tết năm nào cũng vậy, bà con trong lâm phận cũng đều ghé thăm, người thì cho con gà, người cho bánh chưng, bánh tét... để động viên tinh thần của cán bộ, nhân viên ở lại giữ rừng.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, hằng năm cứ đến dịp trước và trong Tết Nguyên đán, Ban giám đốc đơn vị đều tổ chức đi thăm, chúc Tết, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên và người dân sinh sống trong lâm phận. Theo đó, đơn vị trao tặng nhiều phần quà cho các hộ dân nhận khoán đất rừng có hoàn cảnh khó khăn để vui Xuân, đón Tết. Riêng đối với cán bộ, nhân viên của đơn vị, ngoài được hưởng tất cả các chế độ chính sách lương, thưởng theo quy định, Ban giám đốc cũng bố trí thời gian nghỉ bù sau thời gian cao điểm.
Đón Xuân không bằng quần áo đẹp hay tiếng nhạc rộn ràng bên gia đình nhưng những “người lính” giữ rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc vẫn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vì bên cạnh họ luôn có sự động viên, chia sẻ của bà con nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Ngày Xuân, giữa bao la núi rừng, tiếng hát, tiếng đàn ghi ta của một số nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quyện vào mùi hương hoa tràm theo làn gió bay xa cũng phần nào giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà.
Hải Đình