Thực tế nhiều năm nay tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, bệnh nhân phải xếp hàng lấy số khám bệnh, chờ khám bệnh rồi lại tiếp tục ngồi chờ đóng viện phí.
11 giờ trưa, nhiều bệnh nhân vẫn phải chờ đợi để thanh toán viện phí tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: K.Ngọc |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Mất thời gian chờ đóng viện phí
11 giờ ngày 19-9, mẹ con chị Ngô Thị Thu Vân (ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) vẫn đang ngồi chờ tại khu thu viện phí của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Chị Vân cho hay, 9 giờ sáng, chị đã có mặt tại bệnh viện để khám bệnh tim mạch, dạ dày… Khâu cuối cùng là đóng tiền và nhận thuốc, nhưng chị Vân chờ hơn 10 phút vẫn chưa đến lượt. “Hầu như lần nào cũng phải ngồi từ 15-30 phút để chờ đến lượt thanh toán viện phí, tùy vào số người chờ đông hay ít” - chị Vân chia sẻ.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai thanh toán viện phí qua thẻ. Tuy nhiên, để tiện lợi cho người dân, hình thức thanh toán phải linh động và ngân hàng nào cũng có thể thanh toán được. Sắp tới, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh sẽ triển khai đầu tiên hình thức thanh toán qua thẻ. |
Cứ khoảng 6 tháng, vợ chồng chị Đinh Thị Xoan (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) đến bệnh viện để khám tổng quát. Mỗi lần khám, vợ chồng chị Xoan thường sử dụng nhiều dịch vụ cận lâm sàng như: siêu âm, xét nghiệm, nội soi… “8 giờ sáng, vợ chồng tôi đã đến bệnh viện đăng ký khám. Đến 11 giờ, khám bệnh, làm các dịch vụ đã xong xuôi nhưng phải chờ 15 phút mới đóng tiền viện phí được. Nếu bệnh viện trừ trực tiếp tiền vào thẻ ngân hàng, tôi thấy tiện hơn nhiều, khám xong chỉ cần lấy thuốc rồi về” - chị Xoan bộc bạch.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng thanh toán điện tử. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử.
Kết thúc buổi khám bệnh vào lúc gần 11 giờ trưa 19-9, dù đã chờ 10 phút, bà Lê Thị Oanh (68 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vẫn đang tiếp tục chờ đến lượt nộp viện phí. Bà Oanh cho biết, bà vẫn sử dụng tiền mặt đi khám, chữa bệnh. Nguyên nhân là bà không biết sử dụng thẻ ATM hay điện thoại thông minh. Để tránh mất tiền, bà Oanh khâu một túi đựng tiền và cất kỹ trong người.
Ở ngoài quầy thu viện phí, bệnh nhân nôn nóng, chờ đợi tới lượt đóng tiền, phía bên trong, các nhân viên tất bật thu tiền. Theo một nhân viên thu viện phí tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hiện nay người bệnh đều trả bằng tiền mặt nên việc kiểm tra, trả lại tiền thừa, trả sổ đúng người bệnh cũng khá mất thời gian. Tính cả thời gian nhập sổ, in biên lai, nhận tiền, trả tiền, trả sổ cũng phải mất đến 5 phút/người bệnh, chưa kể những lúc trục trặc mạng, máy tính.
Dù các bệnh viện đều lắp nhiều camera an ninh tại khu vực thu viện phí, nhưng tình trạng rạch túi trộm tiền của người bệnh vẫn xảy ra do kẻ xấu ra tay rất nhanh. Do đó, lực lượng bảo vệ của các bệnh viện cũng thường xuyên đi tuần, đứng chốt để… hạn chế tình trạng này.
* Thí điểm trả viện phí bằng thẻ
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, bệnh viện sẽ phối hợp với Ngân hàng công thương (Vietinbank) và Công ty cổ phần FPT sẽ phát hành thẻ khám bệnh (one card). Dự kiến, khoảng tháng 10, bệnh viện sẽ triển khai hình thức này, trước hết là dành cho bệnh nhân điều trị nội trú. Thẻ này giống với thẻ ATM nhưng có thông tin khám chữa bệnh. Người bệnh chỉ cần cầm thẻ để đăng ký khám bệnh. Trong thẻ sẽ có 1 khoản tiền do người bệnh nạp vào. Khi đi khám bệnh, viện phí sẽ được thông báo và trừ trực tiếp vào thẻ.
“Người bệnh không phải trả tiền mặt, tránh được việc mang tiền mặt, mất cắp. Hơn nữa, khi thanh toán bằng thẻ, người bệnh không phải mất thời gian chờ đợi” - bác sĩ Trâm cho hay. Khi phát hành thẻ này, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ mở quầy tự đăng ký khám bệnh. Bệnh nhân tự quẹt thẻ trong quầy, chọn phòng khám và vào khám. Như vậy, bệnh nhân sẽ giảm được thời gian chờ đăng ký khám bệnh.
Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho rằng, đa số người dân của TP.Long Khánh và các vùng lân cận là nông dân, quen sử dụng tiền mặt. Khi bệnh viện chuyển qua thanh toán viện phí bằng thẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, bệnh viện sẽ áp dụng với những khách hàng đã quen sử dụng thẻ ATM, điện thoại thông minh (smartphone). Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ thành lập một tổ hướng dẫn cho người dân đến khám ở bệnh viện. “Chúng tôi sẽ đến tận các khu phố để hướng dẫn người dân. Từ đó, họ sẽ thay đổi nhận thức và tham gia hình thức này” - bác sĩ Huyên nhận định.
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh sẽ phối hợp với Ngân hàng ngoại thương (Vietcombank) để phát hành thẻ khám bệnh này. Thẻ sẽ tích hợp lịch sử bệnh của bệnh nhân. Ngoài đăng ký khám bệnh trực tiếp, bệnh nhân có thể đăng ký trực tuyến qua phần mềm (bệnh nhân tải và cài trên điện thoại của mình). Hiện nay, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đang sử dụng 30 người của Phòng Kế toán để thực hiện các công tác: đăng ký, thu viện phí. Khi sử dụng thẻ, bệnh viện sẽ tiết kiệm được nguồn lực, cơ sở hạ tầng và rút ngắn được thời gian khám, chữa bệnh cho người dân.
Khánh Ngọc