Xã hội

Nên đổi mới hình thức họp phụ huynh

Các buổi họp phụ huynh cần được thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung. Đó là mong muốn của không ít phụ huynh học sinh khi hiện nay đa số các cuộc họp chỉ mang tính hình thức và thông qua các khoản đóng góp là chính.

Một buổi họp phụ huynh theo kiểu “truyền thống” ở một trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.YẾN
Một buổi họp phụ huynh theo kiểu “truyền thống” ở một trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.YẾN

Chị Nguyễn Thị Vân Nhi (ngụ KP.3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có 2 con đang học tiểu học và THCS. Mỗi năm học, chị có 3 đợt đi họp phụ huynh cho cả 2 con (đầu năm học, cuối học kỳ 1 và tổng kết năm học). Các cuộc họp đều diễn ra theo mô tuýp quen thuộc: phụ huynh họp trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm nghe báo cáo sơ nét về tình hình chung của trường, của lớp; thông qua các khoản đóng góp, thu chi, bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh…

* Cách làm đã cũ

“Các cuộc họp đều dành thời gian để phụ huynh thảo luận, kiến nghị với giáo viên, nhà trường nhưng thông thường nội dung này chỉ diễn ra khoảng 5-10 phút. Chủ yếu là một số phụ huynh hỏi riêng giáo viên về tình hình học tập của con mình, hoặc cũng chỉ thảo luận về khoản quỹ trường, quỹ lớp. Cuộc họp thường diễn ra chóng vánh trong 1 tiếng đồng hồ. Điều đọng lại lớn nhất trong tâm trí của chúng tôi vẫn là các khoản tiền và thời gian đóng tiền” - chị Nhi cho hay.

Các trường học có thể tổ chức họp phụ huynh theo từng khối lớp. Theo đó, trước khi họp riêng với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh sẽ tập trung tại hội trường để Ban giám hiệu hoặc chuyên gia do nhà trường mời đến truyền thông chung về một vấn đề.

Những điều chị Nhi chia sẻ cũng là cảm nhận của nhiều phụ huynh về các cuộc họp phụ huynh học sinh. Hiện nay, đa số các trường học đều tổ chức họp phụ huynh đại trà và phụ huynh thường họp theo lớp với giáo viên chủ nhiệm của con mình. Do đó, có thể do cách làm của giáo viên chủ nhiệm mà những vấn đề cần thông tin của nhà trường không đến được với cha mẹ học sinh.

Trong khi đó, các bậc phụ huynh không chỉ muốn nắm bắt được tình hình học tập của con họ mà còn cần hiểu rõ hơn về chủ trương giáo dục học tập, hoạt động của nhà trường để cùng phối hợp. Vì vậy, thay đổi nội dung và hình thức các cuộc họp phụ huynh là điều mà rất nhiều phụ huynh học sinh mong muốn.

* Nhiều cách để đổi mới

Theo TS.Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi (TP.Hồ Chí Minh), cách tốt nhất để phụ huynh hiểu và đồng hành với nhà trường trong giáo dục con chính là cho họ có cơ hội tiếp cận để hiểu được cách trường đang làm, cách học sinh đang học. Bởi nếu không hiểu được hoạt động của nhà trường thì phụ huynh thường chỉ có một chọn lựa là giao phó con họ cho nhà trường.

Do vậy, thông qua các buổi họp phụ huynh, nhà trường nên dành phần lớn thời gian để thông tin về phương pháp giáo dục hơn là phổ biến việc đóng góp, thu chi các khoản tiền. Ngoài các buổi họp phụ huynh, nhà trường có thể tăng cường kết nối với phụ huynh bằng cách tổ chức các buổi hội thảo, mời chuyên gia đến nói chuyện. Việc này không chỉ giúp phụ huynh có thêm kiến thức mà còn là cơ hội để nhà trường và phụ huynh gặp gỡ nhau, hiểu nhau hơn.

Đừng để giáo viên phải đứng ra thu tiền

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Cố  vấn giáo dục toàn cầu của Microsoft cho rằng: “Nhiệm vụ thu tiền là của bộ phận văn phòng và phụ huynh cho con đi học phải có nghĩa vụ hoàn thành các khoản đóng góp theo quy định. Các trường không nên giao việc thu tiền cho giáo viên vì hình ảnh này làm giảm vị thế của người thầy. Vai trò của người thầy phải được đặt đúng chỗ”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Cố vấn giáo dục toàn cầu của Microsoft cho rằng, có rất nhiều cách làm hay để đổi mới việc họp phụ huynh. Một trong những cách tốt nhất là hãy trao quyền cho học sinh. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm nên để cho học sinh đưa ra và xây dựng kịch bản họp phụ huynh của lớp.

Những thông tin mà nhà trường, giáo viên và phụ huynh đưa ra nên nhằm mục đích gia tăng sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và học sinh. Trong đó, học sinh phải là trung tâm. Và, mọi giải pháp, hành động, lời nói đều giúp trẻ phát triển năng lực, kỹ năng, nhân cách.

Một yếu tố cũng cần được chú trọng trong các cuộc họp phụ huynh chính là cảm xúc, cần làm gì để gia đình và nhà trường có cùng cách tiếp cận, cùng hướng đến một triết lý giáo dục. Các thành viên Ban giám hiệu nên có phản biện với nhau trước khi đưa ra một kịch bản chung cho buổi họp phụ huynh. Phần báo cáo thành tích, những định hướng của nhà trường trong giáo dục nên làm thành một video và trình chiếu trên màn hình tivi cho phụ huynh theo dõi. Những thông báo khác và cả các khoản đóng góp, nhà trường nên ghi chú rõ ràng ra giấy và phát cho mỗi phụ huynh… Những cách làm như vậy vừa giúp phụ huynh và nhà trường có cùng tiếng nói, vừa tạo ra một xu thế mới mang tính hiện đại hơn.

Để tạo ra sự kết nối thường xuyên giữa gia đình và nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên lập group (nhóm) để trao đổi thông tin hằng ngày với phụ huynh. Giáo viên có thể tận dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… hoặc thậm chí tải các phần mềm miễn phí khác để phục vụ việc này.

“Việc lập group của lớp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên. Chẳng hạn, một học sinh thường hay ngồi học với tư thế khom lưng nhưng trong buổi học này em đã biết chủ động ngồi thẳng lưng thì giáo viên có thể chụp ngay hình ảnh đó để gửi cho phụ huynh. Như thế, phụ huynh sẽ cảm kích sự quan tâm của giáo viên dành cho con mình” - bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ thêm.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,896,897       7/1,150