Xã hội

Sáng kiến của các "nhà khoa học" nhí

Thời gian qua, phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Đồng Nai nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có không ít sáng kiến là của các "nhà khoa học" "nhí".

Thời gian qua, phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Đồng Nai nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có không ít sáng kiến là của các “nhà khoa học” “nhí”.                       

Những học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019 nhận khen thưởng của Ban tổ chức
Những học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019 nhận khen thưởng của Ban tổ chức. Ảnh: Hạnh Dung

Trong quá trình phụ giúp gia đình tách hạt bắp, em Vũ Duy Hải (Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã La Ngà, huyện Định Quán) nhận thấy làm bằng phương pháp thủ công (dùng tay tách hạt bắp) tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí có thể bị thương tích mà năng suất lao động lại không cao. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hải nảy ra ý tưởng thực hiện một chiếc máy tách hạt bắp chạy bằng động cơ điện.

* Những chiếc máy hữu ích

Ý tưởng này được cha của em là thầy giáo Vũ Mạnh Tường đồng tình ủng hộ. Khoảng thời gian 2 tuần sau đó, cả hai cha con Hải mày mò nghiên cứu, đi mua các thiết bị, vật liệu cần thiết như: sắt, tôn, động cơ một pha, lưới, cối nghiền, cầu dao điện để lắp ráp hoàn chỉnh.

Hải cho biết, khi cắm điện, bật cầu dao, động cơ điện hoạt động làm cho bánh dẫn của động cơ điện quay, dây curoa nối giữa bánh dẫn và bánh bị dẫn làm cho bánh bị dẫn và trục quay của máy quay theo. Khi bắp được bỏ vào thùng chứa, đường dẫn gắn với trục quay sẽ kéo trái bắp chuyển động vào bên trong va chạm với trục quay làm cho hạt bắp rơi ra, trượt ra máng. Trên máng có những lỗ nhỏ để những hạt bắp lép, nhỏ rơi xuống, còn phần lõi sẽ đi ra ngoài theo hướng khác. Để tránh việc các hạt bắp bắn tứ tung ra ngoài, Hải gắn thêm một tấm tôn bao bọc phía trên, giúp an toàn cho những người xung quanh và đỡ công thu dọn sau khi tách hạt bắp xong.

Chia sẻ về chiếc máy, Hải nói: “Nhà em trồng khoảng 1 hécta bắp. Những năm trước, tách hạt bắp là công đoạn mà em ngại nhất vì phải làm rất lâu. Nay có chiếc máy này, mọi việc đã đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. Mỗi giờ, máy có thể tách được 3 tạ bắp. Sau khi tách xong bắp cho gia đình, em sẽ đem máy qua cho ông bà, những người trong họ hàng mượn để tách hạt bắp nhanh hơn. Sắp tới, em sẽ cải tiến máy bằng cách gắn thêm một máy nghiền ở ngay chỗ đầu bắp ra để nghiền thức ăn cho gia súc, gia cầm mà không phải mang đi xay, nghiền như trước kia”.

Toàn tỉnh hiện có nhiều phong trào, hội thi, cuộc thi liên quan đến khoa học - kỹ thuật như: Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Hội thi Phụ nữ, cán bộ Đoàn, giáo viên, cán bộ Tuyên giáo ứng dụng giỏi công nghệ thông tin...

Xuất phát từ thực tế của địa phương có nhiều hộ chăn nuôi chim cút, nhóm tác giả Sầm Đức Anh, Âu Quốc Cường, Trần Vũ Nhật Hào, Đặng Hoàng Ân (Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông huyện Trảng Bom) đã nghiên cứu và chế tạo nên máy hỗ trợ rũ phân chim cút nhằm hỗ trợ người chăn nuôi.

Sầm Đức Anh cho biết, để chim cút phát triển tốt thì yêu cầu trước tiên là môi trường trại nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, yên tĩnh. Do đó, người chăn nuôi phải thường xuyên dọn dẹp phân chim cút. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có sức khỏe, phải trang bị kỹ để tránh một số bệnh về hô hấp, da liễu.

“Ở một số trang trại nuôi chim cút quy mô lớn có chế tạo một số máy hỗ trợ rũ phân cút nhưng đây vẫn là những máy bán tự động, có nhiều hạn chế, người chăn nuôi vẫn phải dùng tay để gạt phân vào bao. Do vậy, chúng em quyết tâm tạo ra một chiếc máy giải quyết được hết những khó khăn trên” - em Trần Vũ Nhật Hào tâm sự.

Nghĩ là làm, cả 4 chàng trai bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế cho ra sản phẩm là một máy rũ phân chim cút có bánh xe di động, có các rulo căn chỉnh linh hoạt, hạn chế lực ma sát trong quá trình rũ phân; có máng đỡ phân tránh hiện tượng rung và phân rơi xuống đất; có cần gạt, cào phân để không phải gạt bằng tay…

* Khích lệ sáng tạo

Đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của học sinh trong tỉnh thông qua các phong trào, hội thi liên quan đến khoa học - kỹ thuật do tỉnh và các Hội, nhà trường phát động, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp mong muốn trong thời gian tới, các em sẽ ra sức học tập, phát huy khả năng, trí tuệ, tính sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Nhóm tác giả Sầm Đức Anh, Âu Quốc Cường, Trần Vũ Nhật Hào, Đặng Hoàng Ân (Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông huyện Trảng Bom) lắp ráp và cho chạy thử nghiệm máy rũ phân chim cút. Ảnh: H. Dung
Nhóm tác giả Sầm Đức Anh, Âu Quốc Cường, Trần Vũ Nhật Hào, Đặng Hoàng Ân (Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông huyện Trảng Bom) lắp ráp và cho chạy thử nghiệm máy rũ phân chim cút. Ảnh: H. Dung

TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh cho biết, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Không chỉ có học sinh, sinh viên, giáo viên mà cả nông dân, cán bộ hưu trí, công chức, viên chức cũng nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó cho thấy phong trào Toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học - công nghệ đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng.

“Thực tế cho thấy sau khi bước ra từ các cuộc thi, hội thi, nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học của các tầng lớp nhân dân đã được ứng dụng vào quá trình lao động sản xuất, giảng dạy, học tập, mang lại năng suất lao động và tính kinh tế cao. Do đó, Ban tổ chức các cuộc thi sẽ liên tục phát động để nhiều người cùng tham gia hơn nữa. Đặc biệt, Ban tổ chức hướng tới những đối tượng mà lâu nay tham gia các cuộc thi còn hạn chế, đó là đội ngũ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp” - TS.Vy Văn Vũ nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,898,902       5/1,115