Đề án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020 với 7 lĩnh vực đào tạo đang được các sở, ngành liên quan triển khai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về đào tạo nguồn nhân lực...
p ứng yêu cầu phát triển.
Sinh viên ngành điều dưỡng của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (thuộc Tập đoàn Anh Vinh) thực hành trên thiết bị hiện đại. Ảnh: C.NGHĨA |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Đổi mới tư duy đào tạo
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp: Cần đánh giá đúng kết quả và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu được xác định cần phải tạo đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh. Do đó các ngành được giao các mục tiêu về đào tạo phải đánh giá cho đúng kết quả đào tạo, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục cũng như nhu cầu thực tế về đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới. |
Việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có nhiều thuận lợi khi tỉnh đã có những đơn vị đã đạt được trình độ đào tạo chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong số đó có Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành) với nhiều nghề đạt chuẩn Anh Quốc, Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức… Hay Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) có nhiều ngành đạt trình độ quốc tế như: điện tử, điện lạnh, hàn công nghiệp… Trong khi đó, Trường cao đẳng cơ giới thủy lợi (huyện Trảng Bom) hiện đã được Cộng hòa Liên bang Đức đầu tư đào tạo nghề theo hướng chuẩn quốc tế.
Ông Huỳnh Văn Tịnh cho biết, từ năm 2016 tỉnh đã phối hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đào tạo 2 khóa nhân lực chuẩn trình độ quốc tế của Tổ chức City & Guilds Anh Quốc cho 226 học viên. Có tổng cộng 6 nghề được đào tạo theo chuẩn quốc tế này gồm: chế tạo cơ khí, điện tử công nghiệp, công nghệ hàn, kỹ thuật cơ khí ứng dụng công nghệ CNC kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp. Dự kiến từ nay đến cuối năm Sở sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo mới 250 sinh viên chương trình đào tạo nghề chất lượng cao, đồng thời có kế hoạch “đặt hàng” với các đơn vị đạt chuẩn quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh đào tạo thêm 1 ngàn sinh viên chất lượng cao chuyên ngành kỹ thuật.
Từ năm 2015 đến nay, còn có một số doanh nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức trực tiếp liên kết với các trường của tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực theo quy trình khép kín từ khâu tuyển sinh, đào tạo, nhận sinh viên vào làm việc. Khi hoàn thành chương trình học viên được cấp hai bằng có giá trị ở Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Nhiều doanh nghiệp còn tặng thiết bị đào tạo hiện đại cho các trường.
* Thiết thực với cán bộ, công chức
7 lĩnh vực được lựa chọn để đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh gồm: nguồn nhân lực kỹ thuật, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, thể dục thể thao - văn hóa nghệ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ và đội ngũ doanh nhân. |
Thực hiện mục tiêu 4 của Đề án đào tạo nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020, Sở Nội vụ đã tiến hành đào tạo và bồi dưỡng cho gần 9 ngàn cán bộ, công chức, viên chức. Trong số đó, có 5.799 cán bộ, công chức được đào tạo trình độ trung cấp chính trị, 45 cán bộ, công chức được đào tạo trình độ sau đại học ở các chuyên ngành và 2.099 người được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên. Toàn tỉnh còn có 1.230 người được bồi dưỡng theo chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp sở, cấp phòng… Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng tiến hành bồi dưỡng nhiều lớp kỹ năng ở các lĩnh vực như: phiên dịch, kiến thức đối ngoại, kiến thức hội nhập quốc tế, kiến thức an ninh - quốc phòng... cho cán bộ cấp sở, cấp huyện và cấp xã.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Ái Liên cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện mục tiêu 4 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt tiến độ đề ra. Trong đó công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đạt chuẩn đã tăng thêm 10% so với giai đoạn trước năm 2016, cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí phụ trách tăng 5% và cán bộ, công chức có trình độ đại học tăng gần 15%.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Ái Liên cho rằng hiện nay số lượng cán bộ, công chức có trình độ sau đại học đã vượt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Còn chỉ tiêu đào tạo sau đại học ở nước ngoài hiện vẫn chưa đạt, trong khi đó UBND tỉnh đang có chỉ đạo dừng việc đào tạo sau đại học ở nước ngoài do gặp khó khăn về kinh phí.
* Cần tránh lãng phí
Chương trình đào tạo sau đại học (gọi tắt là chương trình 2) do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì từ năm 2006-2015. Từ năm 2016-2020 tên gọi của chương trình 2 được đổi thành mục tiêu 2 gắn với đề án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Kết quả đào tạo chương trình 2 từ năm
2006-2010 có 10 học viên tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, hiện đều trở về làm việc tại các đơn vị cơ quan sự nghiệp của tỉnh và đã phát huy được hiệu quả trong công tác đào tạo.
Trong giai đoạn 2011-2015 tiếp tục có 40 học viên tham gia chương trình đào tạo sau đại học ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ có 8 trường hợp được nghiệm thu, 3 trường hợp đã thu hồi kinh phí đào tạo với số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Hiện có 5 trường hợp đang tiến hành thanh lý và thu hồi kinh phí chi đào tạo do chuyển công tác ra ngoài tỉnh hoặc chuyển công tác ra doanh nghiệp tư nhân, hoặc không hoàn thành khóa học. Ngoài ra còn 16 trường hợp đang tiến hành nghiệm thu và 8 trường hợp vẫn đang học.
Trong khi đó ở chương trình đào tạo liên kết sau đại học giai đoạn 2006-2010, 14 học viên tham gia thì có 12 học viên đã được nghiệm thu, 1 trường hợp trả lại kinh phí đào tạo, 1 trường hợp đã chuyển ra ngoài tỉnh công tác nhưng không thanh lý hoàn trả lại kinh phí.
Giai đoạn 2011-2015 tiếp tục có thêm 47 trường hợp tham gia chương trình đào tạo liên kết, nhưng chỉ có 37 trường hợp hoàn thành chương trình học và được nghiệm thu, 2 trường hợp phải thanh lý trả lại kinh phí, 2 trường hợp vi phạm hợp đồng phải hoàn trả lại kinh phí. Hiện nay Sở tiếp tục nghiệm thu với 5 học viên và 1 học viên dù đã quá thời hạn đào tạo theo hợp đồng nhưng vẫn không hoàn thành khóa học và không có đơn xin gia hạn.
Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh còn có 1.947 người được UBND tỉnh phê duyệt đào tạo sau đại học trong nước các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II (tuy nhiên có 63 trường hợp được phê duyệt nhưng không tham gia). Hiện có 1.526 trường hợp đã được nghiệm thu, 32 trường hợp đang nghiệm thu và 161 trường hợp đang học, 165 trường hợp đang thanh lý do không hoàn thành chương trình học. Đáng lưu ý đến nay có 15 trường hợp hết tuổi công tác nhưng hợp đồng đào tạo vẫn còn hiệu lực và đến năm 2020 có thêm 14 trường hợp tương tự.
Từ khi chương trình 2 do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì được đổi tên thành mục tiêu 2 (giai đoạn 2016-2020) toàn tỉnh tiếp tục có thêm 13 ứng viên đăng ký chương trình đào tạo tiến sĩ, 110 trường hợp đăng ký đào tạo chương trình thạc sĩ. Sau khi Sở chọn lọc hồ sơ trình UBND tỉnh, có 2 trường hợp được chính thức phê duyệt tham gia đào tạo tiến sĩ, 49 trường hợp được phê duyệt tham gia đào tạo thạc sĩ. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Thị Hoàng kiến nghị UBND tỉnh, từ năm 2019 nên dừng tuyển sinh mục tiêu 2 để quản lý số học viên từ năm 2018 trở về trước cho chặt chẽ.
Công Nghĩa