Xã hội

Chỉ tiêu đào tạo chưa sát thực tế?

Hơn 3 năm triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh ở 7 lĩnh vực, đến nay nhiều ngành đã xin giảm chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu, mặc dù những chỉ tiêu ban đầu đều do các đơn vị tự đề xuất với UBND tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
Phải chăng việc xây dựng chỉ tiêu về đào tạo nguồn nhân lực chưa sát hợp với thực tế?

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành với giảng viên đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: T.Nam
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành với giảng viên đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: T.Nam

* Lãng phí đào tạo

Chương trình 2 về đào tạo sau đại học trong nước và ngoài nước do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì từ năm 2006-2015 đã tạo điều kiện cho rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Việc đào tạo này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí là lãng phí cho ngân sách của tỉnh. Nhiều học viên đã được đào tạo các trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài đã trở về tỉnh tiếp tục làm việc nhưng cũng có không ít người học xong lại xin nghỉ việc để tìm cơ hội ở nơi khác, thậm chí có trường hợp không thể hoàn thành chương trình học.

Trong 2 năm 2017-2018, Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đào tạo được hơn 100 giáo viên dạy nghề cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Các giáo viên này sau khi được đào tạo đã được Tổ chức City & Guilds Anh Quốc trao chứng nhận đạt trình độ sư phạm dạy nghề quốc tế. Hiện nay, Cộng hòa Liên bang Đức đang hỗ trợ Đồng Nai đào tạo nghề công nghệ cao 4.0 tại hai trường cao đẳng tại huyện Trảng Bom và Long Thành.

Theo hợp đồng đã ký trước khi đi học, các học viên không hoàn thành chương trình học, học xong nhưng không trở lại làm việc sẽ phải hoàn trả lại kinh phí đào tạo. Có những trường hợp sẵn sàng bỏ cả tiền tỷ ra đền bù, nhưng có những trường hợp không phản hồi, hoặc không thể liên hệ được. Điều đáng lưu ý, có những trường hợp nay đã đến tuổi về hưu nhưng thời hạn của hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực với tỉnh thì vẫn còn. 

Trong những năm qua nhờ chương trình đào tạo theo địa chỉ, tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 157 sinh viên cho ngành Y tế. Nhờ chính sách thu hút nên trong hơn 2 năm qua đã thu hút được 124 bác sĩ về công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Kinh phí dùng để thu hút bác sĩ được tỉnh chi là gần 16,5 tỷ đồng. Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, nếu không có chính sách đào tạo theo địa chỉ thì nhiều lĩnh vực khám và điều trị sức khỏe cho nhân dân sẽ thiếu nhân lực.

Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh cũng chứng kiến nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở các trung tâm y tế, bệnh viện công lập bỏ việc ra làm ở các bệnh viện tư nhân có lương cao hơn. Trong số 157 sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo theo địa chỉ thì có tới 36 trường hợp xin thôi việc, tự ý bỏ việc, hoặc không chấp hành phân công công tác, chuyển công tác.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, việc đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa - thể dục thể thao của tỉnh thời gian qua cũng đang gặp khó khăn về nguồn tuyển. Nhiều trường hợp sinh viên trúng tuyển vào Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) nhưng sau đó lại bỏ học vì cảm thấy học xong không xin được việc làm. Ông Thanh nêu thực tế, cứ tuyển được 100 sinh viên thì có tới 30 sinh viên bỏ học sau khi nhập học. Do đó, chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa - thể thao cần phải được điều chỉnh giảm cho sát với thực tế.

* Phải khẳng định được chất lượng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường đại học, 10 trường cao đẳng nghề và hơn 15 trường trung cấp nghề, ngoài ra còn có hơn 60 cơ sở đào tạo nghề. Số lượng cơ sở đào tạo nhiều nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn luôn thiếu lao động cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều doanh nghiệp hiện nay than phiền về chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường thường không làm được việc ngay, thường tốn thời gian đào tạo lại, dẫn đến lãng phí cho doanh nghiệp. Không ít cơ sở đào tạo nghề ngày càng lâm vào tình trạng tuyển sinh khó khăn.

 Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, tỉnh đã có quyết định sáp nhập 4 trường trung cấp nghề. Ngoài ra còn có những trường trực thuộc các bộ, ngành quản lý đóng tại Đồng Nai hiện cũng đang rơi vào tình thế khó khăn do không có người học như: Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ (tại huyện Vĩnh Cửu, thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) hay Trường cao đẳng thống kê 2 (thuộc Tổng cục Thống kê), Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật số 2 (phường Tân Mai, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, các trường cao đẳng, trung cấp nghề khó tuyển sinh có một phần do cơ hội trúng tuyển đại học ngày càng dễ dàng. Nhưng không thể không nói đến chất lượng đào tạo của nhiều trường trung cấp hiện nay quá yếu, thiếu thực tế. Vì vậy, khi sinh viên tốt nghiệp đi xin việc làm doanh nghiệp không đánh giá cao, lương của lao động có bằng cấp vẫn không hơn nhiều so với lao động phổ thông. Điều đó cũng tác động tới tâm lý của những người có ý định học nghề ở các trường cao đẳng và trung cấp.

Còn ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, Sở đã phối hợp với các trường đại học tổ chức được một số lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp, chủ yếu là cho sinh viên. Việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho doanh nhân và doanh nghiệp hiện cũng đang gặp khó khăn,  trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tuyển sinh, do không có nhiều đối tượng có nhu cầu học nên không thể mở lớp.

Thành Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,901,125       7/1,177