Xã hội

Cấp bách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát với mức độ rất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng trong tháng 7, toàn tỉnh đã có hơn 2 ngàn ca sốt xuất huyết, nâng tổng số từ đầu năm đến nay lên hơn 8,5 ngàn ca.

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát với mức độ rất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng trong tháng 7, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2 ngàn ca sốt xuất huyết, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên hơn 8,5 ngàn ca.

Cộng tác viên y tế phường Trảng Dài đi phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
Cộng tác viên y tế phường Trảng Dài đi phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết (ảnh: TL)

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình, nếu không kịp thời có những biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì Đồng Nai sẽ nhanh chóng rơi vào “top” những tỉnh, thành có số ca sốt xuất huyết cao nhất cả nước.

* Dịch bệnh lan nhanh

TP.Biên Hòa vẫn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với hơn 2,6 ngàn ca. Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Trai cho biết, chỉ trong tháng 7, thành phố đã ghi nhận 998 ca, tăng gần 400 ca so với tháng 6, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Để xử lý 395 ổ dịch được phát hiện trên địa bàn, thành phố đã tiến hành nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi, ra quân diệt lăng quăng. Các phường có đông công nhân lao động, nhiều khu nhà trọ như: Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân là những phường có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất. Đặc biệt, ở phường Trảng Dài, qua giám sát côn trùng, các cơ quan phát hiện mật độ côn trùng, lăng quăng rất cao.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình lưu ý: “Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần triển khai cấp bách, quyết liệt hơn nữa, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Các địa phương nếu có nhu cầu về hóa chất cần nhanh chóng có văn bản đề xuất hoặc trực tiếp gọi điện thoại, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ cấp hóa chất xuống cho các địa phương, tránh tình trạng xử lý ổ dịch chậm trễ khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch, khoảng 90% số ca bệnh sốt xuất huyết tập trung tại hai xã Hiệp Phước và Phước Thiền. Nguyên nhân là do tại hai xã này tập trung nhiều khu công nghiệp, có nhiều khu nhà trọ công nhân. Các khu nhà trọ xây dựng không theo một quy chuẩn nào nên rất tạm bợ, hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, ý thức vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh của người dân còn rất hạn chế nên hàng loạt ca bệnh sốt xuất huyết liên tiếp phải nhập viện điều trị.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết nhưng đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, phải lọc máu, truyền dịch cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, trong số hơn 4,2 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện có 4% là các ca bệnh nặng. Trung bình mỗi ngày Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện tiếp nhận từ 100-130 ca bệnh sốt xuất huyết, trong khi khoa chỉ có 100 giường bệnh, chưa kể các bệnh khác như: sởi, tay chân miệng…

Do cơ sở vật chất còn hạn chế nên bệnh viện bắt buộc phải chuyển bớt các ca bệnh nhẹ sang một số khoa, phòng khác. Lượng bệnh đông trong khi nguồn nhân lực hạn chế khiến các y, bác sĩ của bệnh viện luôn trong tình trạng “quá tải” công việc.

Phun diện rộng phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại phường Trảng Dài
Phun diện rộng phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại phường Trảng Dài (ảnh TL)

Cùng chung “cảnh ngộ” quá tải bệnh nhân, bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, trong 7 tháng của năm 2019, hai khoa nhiễm của bệnh viện tiếp nhận hơn 2 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết ở người lớn. Vì lượng bệnh vượt quá số giường bệnh của khoa nên thường xuyên có từ 10-20 bệnh nhân phải nằm ghế bố.

* Xử phạt nếu không phòng, chống dịch

Lý giải nguyên nhân vì sao đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn so với mọi năm, bác sĩ Bạch Thái Bình cho rằng năm nay là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết 4 năm/lần. Bên cạnh đó phải kể đến sự thay đổi của tuýp virus gây bệnh, môi trường vệ sinh nhiều khu vực kém; đội ngũ nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh vừa thiếu vừa chưa đảm bảo chất lượng; công tác chống dịch, xử lý ổ dịch chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết cũng chưa huy động được toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc; ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa cao...

“Ngoài cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương, làm sao để huy động người dân cùng tích cực tham gia phòng chống dịch” - bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chi gần 5 tỷ đồng cho công tác phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải, không thể phun hóa chất cho tất cả 170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh bởi nếu làm như vậy phải tốn hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể việc phun hóa chất chỉ có thể giúp giảm muỗi trong vòng vài ngày, sau khi hóa chất hết tác dụng, muỗi lại xuất hiện.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Long Khánh Trịnh Bửu Lễ cho rằng, điểm cốt yếu nhất để phòng, chống dịch hiệu quả là phải nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân, làm sao để người dân chủ động tự giác phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân và những người xung quanh. Bởi lẽ “nước xa không cứu được lửa gần”, một khi người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ quan nhà nước thì khó có thể khống chế được dịch bệnh.

Bác sĩ Lễ cho biết thêm, TP.Long Khánh tập trung thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng bằng cách sử dụng lực lượng là tổ trưởng tổ dân phố, tổ an ninh nhân dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ để đến từng nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi chứ không chỉ tuyên truyền suông.

Nhấn mạnh vai trò dự phòng của chính người dân, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho hay, Sở sẽ tham mưu văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện để chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiến hành xử phạt những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp không vệ sinh phòng, chống dịch bệnh khi có nguy cơ. Trong đó, đặc biệt lưu ý các cơ sở buôn bán ve chai, thay lốp xe, các chủ khu nhà trọ công nhân.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,902,776       19/777