Tại hội thảo định hướng chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 mới đây, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, công tác dân số của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu.
Mỗi gia đình nên có đủ hai con để nuôi dạy cho tốt. Trong ảnh: Cha mẹ và các con hào hứng tham gia một trò chơi tập thể do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức tại Khu du lịch Bửu Long |
Đó là mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có trung bình từ 2-2,1 con. Hơn 2/3 số cặp vợ chồng trong cả nước chấp nhận sử dụng ít nhất một biện pháp tránh thai… Tuy nhiên, công tác dân số vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần khắc phục.
* Mất cân bằng giới tính có xu hướng tăng
Thực tế thời gian qua cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về mức sinh giữa các vùng, miền trong cả nước. Khu vực kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn có mức sinh cao, có những nơi rất cao như tỉnh Lai Châu (3,1 con/cặp vợ chồng). Ngược lại, ở vùng đô thị, vùng kinh tế phát triển thì con số này lại thấp, thậm chí rất thấp.
Đồng Nai hiện có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 108 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 80%, sàng lọc sơ sinh đạt 61%. Tất cả kết quả trên đều đạt và vượt chỉ tiêu mà Trung ương và Tỉnh ủy giao. |
Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con). Một số tỉnh, thành có mức sinh thay thế rất thấp như TP.Hồ Chí Minh (1,36 con), Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - là những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc mất cân bằng giới tính đang có xu hướng tăng nhanh với tỷ lệ 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2018. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phân bố dân cư, quản lý dân cư… cũng còn những bất cập, hạn chế.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngành dân số còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, đề ra giải pháp, ban hành cơ chế chính sách đồng bộ để phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh. Mặc dù là quốc gia có dân số đông thứ 15 trên thế giới nhưng Việt nam lại là một trong 7 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
* Nên sinh đủ hai con
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống) là một trong những mục tiêu chính, quan trọng của ngành dân số Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2019.
Biểu đồ thể hiện kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Đồng Nai năm 2019 (Thông tin: Hạnh Dung; Đồ họa: Hải Quân) |
Do đó, một số giải pháp chính được Đồng Nai đưa ra gồm: tập trung chăm sóc bà mẹ ngay từ khi mang thai đến khi sinh con và chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi bằng những chương trình thiết thực như: vận động các bà mẹ, đặc biệt là nữ công nhân lao động tích cực nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, cung cấp kiến thức để các bậc cha mẹ có kiến thức nuôi dạy con tốt.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng đầy đủ phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, kể cả việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai tự nhiên cho các cặp vợ chồng. Đặc biệt, phải luôn đẩy mạnh công tác truyền thông, duy trì hành vi của các cặp vợ chồng trong việc thực hiện sinh sản có trách nhiệm, vận động người dân tự nguyện sinh đủ hai con/cặp vợ chồng để duy trì quy mô dân số như hiện nay.
Về tầm vóc của thế hệ trẻ, theo lãnh đạo Sở Y tế, lo lắng nhất hiện nay của Đồng Nai là tình trạng nhiều cặp vợ chồng công nhân lao động nhập cư sau khi sinh con không đủ điều kiện về kinh tế, sinh hoạt nên ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng của trẻ, nhất là 2 năm đầu đời. Do đó, các doanh nghiệp cần có những chương trình, hoạt động để tạo điều kiện cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Đồng thời đẩy mạnh chất lượng của chương trình sữa học đường để nhiều trẻ mầm non, học sinh tiểu học trong tỉnh được thụ hưởng lợi ích mà chương trình này mang lại.
Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác trẻ em, kể cả việc nuôi và dạy, làm sao để trẻ em có quyền chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng tốt, là điều kiện để nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
An Yên