Con đường vào cổng trường đại học ngày càng dễ dàng hơn với các thí sinh, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều "rủi ro" về khả năng thất nghiệp nếu không chọn đúng ngành, nghề phù hợp.
Con đường vào cổng trường đại học ngày càng dễ dàng hơn với các thí sinh, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều “rủi ro” về khả năng thất nghiệp nếu không chọn đúng ngành, nghề phù hợp.
Một phụ huynh tìm hiểu thông tin ngành học trước khi đăng ký cho con xét tuyển vào Trường đại học Lạc Hồng |
* Sáng suốt khi chọn nghề
Năm 2018, Nguyễn Đỗ Thành Luân (ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) tốt nghiệp THPT, rồi xét tuyển vào Trường đại học chính trị nhưng không thành. Sau đó, Luân trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Trường đại học luật TP.Hồ Chí Minh. Quá trình học tập Luân không tìm được cảm hứng cho mình, do đó tháng 3-2019 Luân quyết định ôn thi và tiếp tục xét tuyển vào Trường đại học chính trị. Lần này cơ hội trúng tuyển gần như nắm chắc 100% với Luân khi được đến 28,25 điểm 3 môn. Luân chia sẻ: “Tôi có cha là bộ đội, nhà lại ở gần cổng đơn vị của cha nên từ nhỏ đã có ước mơ nối nghiệp cha mình. Có lẽ vì vậy nên khi “bất đắc dĩ” trúng tuyển vào ngành khác tôi không tìm được cảm hứng học tập”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong số trên 27 ngàn thí đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay, có gần 19 ngàn thí sinh đăng ký vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm 69%); có 8.778 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm 31%). |
Còn ông Nguyễn Thành Nghiêm, cha của Luân, hiện công tác tại Lữ đoàn 972 Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thì cho biết: “Tôi không can thiệp sâu vào quá trình chọn trường, chọn ngành của con. Tôi chỉ đứng sau tìm hiểu kỹ xem con có đam mê gì, sở trường ra sao, năng lực phù hợp hay không, từ đó định hướng thêm cho con. Khi con đam mê thực sự ngành mà con đã chọn thì tôi ủng hộ con theo đuổi”.
Bà Tô Thị Phương (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có 3 người con, nhưng chỉ có người con đầu theo học đại học, 2 người con còn lại đều học cao đẳng nghề. Bà Phương cho biết: “Người con đầu học đại học nhưng học đến năm thứ ba rồi mới nhận ra mình học “nhầm” nghề, đến khi tốt nghiệp xong do không xin được việc đúng chuyên môn nên hiện tại thu nhập khá bấp bênh”. Trong khi đó 2 người con còn lại học ngành kỹ thuật, hiện một người đang làm nhân viên bảo trì kỹ thuật cho Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), một người làm việc cho Công ty TNHH Tokin Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình TP.Biên Hòa) với thu nhập khá.
Từ kinh nghiệm nuôi 3 người con ăn học, bà Phương rút ra bài học: “Giúp con chọn nghề đúng với sở trường và năng lực chính là giúp con có được tương lai ổn định phía trước. Khi cha mẹ không sâu sát, để con tự chọn nghề theo chúng bạn, chọn nghề “sang” nhưng lại không phù hợp với sở thích, cá tính và năng lực của con sẽ rất bất lợi cho tương lai. Khi con không chọn đúng nghề, con chịu thiệt đã đành nhưng cha mẹ cũng lo lắng”.
* Loại bỏ tư duy bằng cấp
Là người trưởng thành từ công nhân rồi lên vị trí đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân, ông Đào Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH dụng cụ cơ khí và y tế VPIC Việt Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) có nhiều kinh nghiệm thực tế đáng để tham khảo. Theo ông Việt: “Chọn đúng nghề chưa bao giờ là dễ đối với những người trẻ. Vì vậy, nếu như cha mẹ không tự tin tư vấn chọn nghề cho con thì nên nhờ sự tham vấn của những người có kinh nghiệm ở những ngành, nghề mà con mình đang dự định lựa chọn để xét tuyển vào đại học. Nhưng cha mẹ cần nắm được những tố chất cơ bản của con mình, về sở trường, sở đoản, năng lực bản thân ra sao”. Cha mẹ cũng cần cho con hiểu được điều kiện kinh tế gia đình có đủ đáp ứng trang trải trong 4, thậm chí 5 năm chi phí đại học hay không để lo liệu. Cha mẹ nên có cái nhìn thực tế rằng, doanh nghiệp hiện không còn “nghiện” bằng cấp mà chỉ nhìn năng lực làm việc thực tế của cử nhân hay kỹ sư khi tuyển dụng vào làm việc.
Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Nguyễn Công Thành thì cho rằng, học đại học là một lựa chọn đúng, phù hợp với xu thế, tuy nhiên hiện vẫn có nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã mạnh dạn chọn học nghề ở trình độ cao đẳng. Đó thực sự là những nghề doanh nghiệp luôn “khát” lao động, chẳng hạn như công nghệ may, công nghệ da giày, quản trị nhà hàng, khách sạn… Ông Thành chia sẻ thêm, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi có những ngành khá đặc biệt mà có thể ở bậc đại học chưa chắc đã đào tạo, đó là công nghệ may và công nghệ da giày. Những ngành này thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp và tỷ lệ có việc làm ngay cao.
Theo nhiều trường cao đẳng nghề kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, trong hơn 2 năm trở lại đây xu hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học nghề kỹ thuật khá cao, nhất là tỷ lệ học sinh nam chiếm đến 80%. Như Trường cao đẳng nghề Đồng Nai năm 2018 có đến trên 1 ngàn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã vào trường học các nghề như: điện tử, cơ khí, điện lạnh. Sinh viên các ngành kỹ thuật sau khi tốt nghiệp thường có tỷ lệ việc làm từ 80% trở lên vì doanh nghiệp cần lao động có tay nghề làm được việc hơn là lao động có bằng cấp.
Còn ThS.Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành) thì tự tin khẳng định: “Dù chúng tôi đang đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng nghề nhưng mô hình và phương pháp, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo không thưa kém gì những trường đại học có tiếng”. Ông Cường dẫn chứng, nhiều chương trình đào tạo kỹ thuật của trường đã đạt chuẩn quốc tế của Mỹ, Anh, Đức. Trường có những thiết bị đào tạo ngành kỹ thuật cơ khí, đặc biệt là máy CNC hiện đại hàng đầu châu Âu mà không nhiều trường khác có. Đây cũng là trường đầu tiên tại Đồng Nai có chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghệ 4.0 hợp tác với Cộng hòa liên bang Đức.
Thành Nam